Ăn lá khó phát hiện
Ông Lê Văn Lợi ở xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết) cho biết, hơn 40 cây dừa xiêm đang trong thời kỳ thu hoạch bị sâu ăn lá, làm chết cây. Con sâu dài khoảng 1,5 - 2 cm, đầu cứng, màu nâu và trắng ngà. Sâu nằm trong tổ, tổ sâu nấp vào sống lá dừa để ăn lá dần dần khiến cây bị suy kiệt và chết. Mặt khác, khi gây hại trên lá, sâu làm kén và cuốn lá lại, nên rất khó phát hiện trong phòng trị. Người trồng dừa đang lo lắng.
Anh Văn Thành T. cùng xã với ông Lợi, có diện tích 4 sào trồng dừa. Tuy nhiên, số cây này đang bị sâu hại ăn lá tấn công. Hiện anh đang cố gắng chăm sóc, phun thuốc để cứu sống cây dừa. Anh T. nói: "Sâu ăn lá dừa trông giống như sâu gạo (loại sâu làm mồi cho chim ăn), làm tổ giống như tổ con mối. Khi phun xịt thuốc, người trồng không chú ý thì tổ sâu khó diệt. Sâu hại dừa, ngoài kiến dương, bọ cánh cứng, con đuông, thì nay lại là sâu ăn lá”.
Theo một số hộ dân, sâu đủ ngày tuổi chuyển thành nhộng và bướm. Khi sâu ăn hết phần diệp lục, tàu lá dừa xơ xác, không còn khả năng quang hợp thì dẫn đến chết cây. Phun xịt thuốc trừ sâu rất khó, một phần ở gần khu dân cư, phun xịt ảnh hưởng đến môi trường con người, vật nuôi. Mặt khác, cây dừa quá cao, sâu rất nhỏ, nấp kín trong các kẽ lá, sống lá dừa, thuốc không ngấm vào được, nên sâu vẫn còn sống. Người dân dùng máy bơm rửa xe, nối cần phun để phun thuốc cho cây dừa cao sao cho thấm thuốc vào con sâu đang trú ẩn kẽ lá.
Sớm có biện pháp tránh lây lan
Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết: Thống kê của Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, hơn 8ha dừa đang trong thời kỳ cho trái bị xơ lá, cháy lá, chết đọt, tập trung thôn Thiện Trung. Người dân phản ánh có sâu ẩn trong kẽ lá. Trước hết, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết hướng dẫn người dân dọn vườn, đốt những cây đã bị bệnh. Sau đó, trung tâm sẽ tìm cách điều trị, khuyến cáo người dân nên thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ sớm lá bị hại cần cắt tỉa và tiêu hủy.
Qua kênh truyền thông, vào những năm trước, một số vườn dừa ở miền Tây cũng bị sâu ăn lá dừa tấn công. Sâu ăn lá dừa được xác định là sâu đầu đen (sâu bướm đầu đen), tên khoa học là Opisina arenosella Walker. Loài sâu này có nguồn gốc ở Nam Á, gây hại nghiêm trọng cho cây dừa xuất hiện ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Thái Lan...
Theo tờ Frontiers in Plant Science, các tác giả nghiên cứu chỉ ra cách thức diệt sâu đầu đen - Opisina arenosella ở Châu Á bằng cách sử dụng thiên địch tự nhiên. Sâu đầu đen có 23 loài thiên địch tự nhiên ký sinh cư trú trong hệ sinh thái nông nghiệp. Bằng cách trồng xen dưa chuột, dâu tằm, mía, chanh dây, đu đủ nhằm cung cấp vật chủ thay thế cho những loài ký sinh, làm tăng sự phong phú của loài ký sinh trong suốt cả năm. Điều này tạo sự cân bằng trong hệ sinh thái, sẽ làm giảm ấu trùng, sâu đầu đen. Bên cạnh đó, ong bắp cày Bracon brevicornis và Goniozus nephantidis làm thiên địch tấn công sâu đầu đen, được nhiều nông dân lựa chọn áp dụng ở Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, việc sử dụng thiên địch cần được triển khai sớm do thiên địch cần có thời gian sinh sôi và thích nghi với môi trường.