Nhang sạch thảo mộc – ý tưởng khởi nghiệp mới

12/07/2023, 05:58

Ở tuổi 46, chị Nguyễn Thị Lệ (thôn An Phú, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn không ngần ngại tìm kiếm con đường khởi nghiệp và đã xây dựng được thương hiệu nhang sạch ở địa phương.

Bước vào cơ sở sản xuất nhang Lệ, ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm từ các loại thảo mộc là bột tu hú, quế, trầm. Tại đây, chị Nguyễn Thị Lệ đang ngồi làm việc, liền tay đổ bột, xếp cây tăm vào máy se nhang cho thành phẩm.

img_4894.jpg
Chị Nguyễn Thị Lệ đang làm nhang sạch

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, chị Lệ cho biết: Trước đây tôi làm thợ may gia công, nhưng công việc lúc có lúc không nên muốn tìm một nghề gì đó vừa làm chủ thời gian và ổn định lâu dài. Trong câu chuyện cùng những người bạn, nhiều lần nghe phàn nàn về việc nhang sử dụng hóa chất mùi nồng, độc hại, vì thế thôi thúc tôi tìm cách học nghề làm nhang. Nhớ lúc còn nhỏ, gần tết lại theo ông nội vào rừng tìm cây tu hú, dây tơ hồng làm nguyên liệu và vót sóng lá buông làm chân nhang, thế là cách đây 1 năm tự tôi quay lên rừng tìm. Nhưng khi xay, trộn, tất cả đều làm bằng thủ công nên không đạt như mong muốn, cây to, cây nhỏ không đều. Lúc đó mới dò trên internet địa chỉ sản xuất máy se tự động, rồi quyết tâm vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng mua và khăn gói ra Nha Trang học nghề. Nhưng thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm nên mẻ nhang làm ra hôm thì khô nứt, hôm cháy không đều, máy móc thường xuyên hỏng. Được sự động viên của gia đình, không nản chí, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh công thức pha trộn, rồi mày mò sửa máy…

img_4926.jpg
Sau khi cho ra thành phẩm, cây nhang được phơi nắng

Về nguyên liệu, chị Lệ ra tận Nha Trang rồi ngược lên Đắk Lắk đặt mua vỏ cây quế, trầm, bời lời... Riêng vỏ cây tu hú lấy từ người dân trong tỉnh rồi tự xay, pha chế, trộn. Ngay cả những cây tăm chị cũng chọn loại không ngâm chất bảo quản. Sau khi ra thành phẩm, nhang được phơi dưới nắng 1 ngày. Với cách làm cẩn thận, hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên nhang của cơ sở Lệ có mùi thơm dịu nhẹ, ít khói, thanh khiết, dễ chịu chứ không thơm nồng.

Hiện giá bán nhang quế tại cơ sở là 120.000 đồng/kg, nhang trầm và nhang tu hú 250.000 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường không nhiều, lại an toàn nên được người tiêu dùng ở Hàm Thuận Bắc đón nhận. Nhiều kênh bán hàng online cá nhân còn đặt phân phối vào TP. Hồ Chí Minh và cơ sở sẽ sản xuất theo yêu cầu của khách. Cũng theo chị Lệ, ngoài nhang cây, hiện chị đang nghiên cứu sản xuất thêm nhang nụ các loại. Nếu thị trường ổn định và mở rộng hơn, chị sẽ mướn thêm nhân công ở địa phương cùng làm.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hàm Chính đánh giá: “Qua câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lệ sau 1 năm khởi nghiệp cho thấy ngoài vai trò làm mẹ, làm vợ, làm con… phụ nữ rất “đa năng”. Nếu được sự hậu thuẫn từ gia đình, cộng với sự quyết tâm, kiên trì thì cho dù ở độ tuổi nào các chị cũng sẽ thành công”.

THÙY LINH

Related articles
Hàm Thuận Bắc: Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên địa phương
Nhằm giúp phụ nữ tự phát triển kinh tế, tạo việc làm bền vững và phát huy tài nguyên bản địa địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo cơ sở Hội thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đồng thời khảo sát, hướng dẫn chị em tham gia Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhang sạch thảo mộc – ý tưởng khởi nghiệp mới