Theo đó, Đoàn kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp do Vụ Phó Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên dẫn đầu đoàn có 3 ngày làm việc (12 – 14/6) tại 2 địa phương là huyện Phú Quý và Tp.Phan Thiết.
Tại huyện đảo Phú Quý, Đoàn đã tổ chức 2 hội nghị, gồm Hội nghị tập huấn nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Hội nghị tập huấn nội dung Công ước về quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị.
Gần 100 đại biểu là công chức tư pháp - hộ tịch, các hòa giải viên, người có uy tín, trưởng thôn ở 3 xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng dự nghe báo cáo viên giới thiệu những nội dung cơ bản của các Công ước.
Công ước chống tra tấn có 33 điều, chia thành 3 phần gồm: phần 1 từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm “tra tấn” và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi tra tấn…; phần 2 từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về việc báo cáo, giám sát Công ước và các bước do các bên tiến hành thực hiện; phần 3 từ Điều 25 đến Điều 33 quy định về hiệu lực, thủ tục gia nhập, bảo lưu, rút lui, thủ tục sửa đổi, bổ sung và giải quyết tranh chấp; cũng bao gồm một cơ chế trọng tài tùy chọn (không bắt buộc) đối với các tranh chấp giữa các bên…
Công ước về quyền dân sự, chính trị có 6 phần, 53 điều, trong đó phần 3 quy định về các nội dung của các quyền dân sự gồm quyền sống, không bị tra tấn, không bị bắt làm nô lệ; các quyền chính trị như hội họp, lập hội, quyền tham gia đời sống chính trị; và một số quyền trẻ em…
Báo cáo viên tập trung phân tích những vấn đề cơ bản trong các Công ước. Quá trình phân tích có dẫn chứng liên hệ thực tế ngay trong đời sống của người dân trên huyện đảo giúp các đại biểu dễ hiểu, dễ nhớ. Các hội nghị nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đại biểu tham gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá việc đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đưa công tác này ngày càng hiệu quả.