Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch
Ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: “Tuyến cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) đưa vào sử dụng từ ngày 19/5 vừa qua đã chính thức nối liền mạch gần 150 km đi qua địa bàn Bình Thuận. Đây sẽ là “cơ hội vàng” cho Tuy Phong phát triển theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, trong đó xác định 1 trong 2 lĩnh vực đột phá là “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch””.
Đây có lẽ là thông tin mà không riêng gì lãnh đạo, chính quyền địa phương mà nhân dân huyện nhà vô cùng phấn khởi sau 40 năm tái lập huyện. Bởi, với tuyến cao tốc này, du khách chỉ mất hơn 4 tiếng để di chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Hảo. Vì thế, có thể chắc chắn rằng trong tương lai không xa ngành “công nghiệp không khói” với cảnh quan thiên nhiên ban tặng, sẽ giúp kinh tế - xã hội Tuy Phong phát triển một cách vượt bậc.
Là huyện nằm phía bắc của tỉnh, giáp Ninh Thuận và Lâm Đồng, có chiều dài bờ biển trên 50 km với nhiều bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp. Những năm qua, không gian phát triển du lịch trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu tại Khu du lịch Bình Thạnh với chùa Cổ Thạch và bãi đá 7 màu. Sản phẩm du lịch được xác định là du lịch tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và các hoạt động thể thao trên biển. Từ khi tuyến đường Hòa Thắng - Phan Rí Cửa hoàn thành, tạo tuyến ven biển kết nối từ Mũi Né về Khu du lịch Bình Thạnh, lượng khách đổ về Tuy Phong tăng dần lên.
Song song đó, huyện đã duy trì các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng khác tạo nên nét đa dạng về văn hóa như: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch), Lễ hội Xuân Thu nhị kỳ các đình làng, Lễ hội Cầu ngư các hội vạn lạch, Lễ tưởng niệm di tích Cát Bay, Hội thi Đờn ca tài tử... Gần đây, một bước đi tạo tính đột phá của huyện là phát triển mạnh du lịch nông thôn. Những vườn nho, vườn táo được trồng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… luôn là điểm đến không thể bỏ qua khi khách đến tham quan Tuy Phong. Với loại hình dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng, chất lượng phục vụ được nâng lên rõ rệt, con người văn minh và hiện đại đã để lại ấn tượng tốt, được du khách đánh giá cao. Minh chứng cho điều đó qua lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng năm 2022 đạt trên 1,1 triệu lượt. Lượng du khách tăng cao là do, bên cạnh điểm đến truyền thống chùa Cổ Thạch - bãi rêu Bình Thạnh, tuyến du lịch đảo Cù Lao Câu và cung đường phượt Phan Dũng - Tà Năng đang là điểm mới, rất hấp dẫn các bạn trẻ thích khám phá.
Cơ hội vàng cho du lịch
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tuy Phong đang triển khai đề án “Phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Đồng thời, tích cực tác động UBND tỉnh tạo điều kiện, cấp phép hoạt động và quản lý tốt tuyến du lịch Phan Dũng - Tà Năng. Với 2 tuyến biển – rừng này, huyện đã và đang vạch ra những kế hoạch cụ thể, triển khai bài bản, nghiêm túc, chuyên nghiệp để du khách có ghé qua 1 lần sẽ ấn tượng lâu dài. Không chỉ vậy, đến nay trên địa bàn huyện có 22 dự án du lịch được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực, có diện tích 319 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 4.495 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, ngành du lịch đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển mọi mặt của huyện Tuy Phong.
Vì thế, lãnh đạo huyện xác định sẽ phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng đa loại hình thuộc các thành phần kinh tế, trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, lượng khách tham quan du lịch bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 8,45%, thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày/người. Ngoài ra, sẽ phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch với các hoạt động phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Tập trung nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các lễ, hội truyền thống, tín ngưỡng có tính đặc thù của huyện. Khôi phục, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện đã được cấp trên công nhận để khai thác du lịch và phục vụ du khách. Tạo điều kiện phát triển mạnh các loại hình du lịch hiện có như tham quan tín ngưỡng, nghỉ dưỡng, câu cá, lặn biển… Đặc biệt, sẽ xây dựng và phát triển sản phẩm ẩm thực đặc trưng vùng biển, hướng đến hình thành và phát triển loại hình du lịch ẩm thực…
Với những định hướng và giải pháp khá cụ thể, cộng với những điều kiện khách quan khác như giao thông được kết nối, thời tiết nắng ấm quanh năm, ẩm thực vùng miền phong phú... du lịch Tuy Phong sẽ được “sải cánh” bay cao, bay xa và du khách sẽ tự tìm về trải nghiệm, khi tiếng lành đã đồn xa.