Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm và bền vững

25/04/2023, 05:43

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Kế hoạch hành động đề ra mục tiêu chung là chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương.

Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

dsc_0073.jpg
Ảnh: Đ Hòa.

Đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm

Như chúng ta đã biết, an ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, do đó công tác bảo đảm an ninh lương thực là một nhiệm vụ quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm nhu yếu phẩm tối thiểu cho người dân. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, làm ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất còn thiếu và yếu, các nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, vai trò đảm bảo an ninh lương thực trong phát triển kinh tế - hội trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, quy hoạch đất lúa của tỉnh được giữ vững gắn với việc đầu tư và phát huy hiệu quả về thủy lợi góp phần mở rộng diện tích sản xuất, các biện pháp thời vụ được chỉ đạo kịp thời, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nên sản lượng lương thực có hạt tăng cao. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực đã giúp cho nông dân có cơ hội, điều kiện để thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng. Từ đó năng suất, chất lượng một số cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh, nhất là cây lúa, cây thanh long, cây thực phẩm tăng cao trong những năm gần đây. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát triển theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân. Xác định vấn đề an ninh lương thực quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn mới, tỉnh Bình Thuận đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030, toàn tỉnh đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số của tỉnh. Đặc biệt là phát triển, đảm bảo nguồn cung lương thực và thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất và doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Theo đó phải xây dựng chính sách thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp, góp phần hình thành các vùng sản xuất bền vững theo vùng sinh thái. Xây dựng và phát triển cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực quản trị đối với hệ thống lương thực thực phẩm gồm hạ tầng sản xuất, giao thông, dịch vụ hậu cần, chuỗi cung ứng công nghệ lạnh, chợ đầu mối phân phối, vùng nguyên liệu, hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh để cải thiện liên kết vùng, kết nối thị trường và hiện đại hóa hệ thống phân phối lương thực thực phẩm. Đồng thời xây dựng chính sách nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong phát triển chuỗi ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm và bền vững. Xây dựng, tổ chức hướng dẫn quy trình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp cho sản xuất lương thực thực phẩm hiệu quả và an toàn. Nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng các giống và biện pháp kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận phù hợp với các vùng sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, đồng thời cơ giới hóa phù hợp với nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt là phải nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất, doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất và cung ứng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng, thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm. Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm theo hướng trách nhiệm và bền vững. Đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng…

THANH QUANG

Related articles
Hỗ trợ 1 lao động bị tai nạn về đảo Trường Sa cấp cứu
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh vừa thông tin về việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, đề nghị hỗ trợ tàu cá BTh 99197 TS có 1 lao động cần đưa về đảo Trường Sa cấp cứu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm và bền vững