Bất an dưới chân núi Ông Địa

25/04/2023, 05:29

Vốn là vùng đất bình yên bỗng trở nên bất an, khi trở thành “vùng mỏ” khai thác đá với tiếng nổ mìn chát chúa, ô nhiễm môi trường và gây nứt nhà dân.

z4259139897442_9c79c3e595cce33f5d3fef26de5bf0c1(1).jpg
Tổ 12, thôn Lập Sơn (trái) và thôn An Vinh (phải) nằm dưới chân núi Ông Địa.

Ở vùng mỏ

Chúng tôi đến vùng đất được ví von là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nằm giáp ranh giữa 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân giữa mùa khô nắng cháy tháng 4. Nơi đây là địa bàn của thôn Lập Sơn, xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam và thôn An Vinh, xã Sông Phan, Hàm Tân. Nơi đây bỗng trở thành “vùng mỏ” khi Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hồng Gia được cấp phép khai thác đá ở núi Ông Địa, theo tên gọi của người địa phương. Còn trên văn bản hành chính, núi Ông Địa có tên gọi Đồi Đá hoặc mỏ khai thác khoáng sản đá xây dựng Hồng Gia. Núi nằm sát quốc lộ 1A bên phần đất Lập Sơn giờ đây không còn nguyên vẹn màu của thời gian độc đáo trước đây.

“Những tảng đá núi, đồi nằm sát bên đường, trong khu dân cư, tạo cảnh quan rất đẹp, thể hiện giá trị sinh thái, con người sống hòa thuận với nhiên thiên…Ở các nước văn minh như Nhật Bản, Hàn Quốc… họ sống chung với núi non, biển trời, môi trường cảnh quan lành mạnh. Núi Ông Địa rất đẹp có phong thủy tốt, nhưng ở mình lại cho khai thác đá… Vì núi này nằm ở huyện Hàm Thuận Nam, không phải Hàm Tân nên tôi không thể có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri”, một trong những công dân thôn An Vinh có rẫy dưới chân núi nói với phóng viên với vẻ nuối tiếc.

z4259136751247_79101ae873f2e5cd1417d2498d897933.jpg
Có hộ nằm gần chân núi.

Toàn thôn Lập Sơn có khoảng 700 hộ, trong đó tổ 12 dưới chân núi, với gần 60 hộ giáp với thôn An Vinh, nơi có hơn 300 hộ, chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. “Cuộc sống người dân ở đây khó khăn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt; ô nhiễm bụi từ việc khai thác đá ở núi Ông Địa, chưa kể tiếng nổ mìn đánh đá, chủ yếu vào buổi trưa”, bà P.H ở tổ 12 chia sẻ.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Nhà bà H không bị nứt tường như nhiều nhà khác mà chung cảnh giật mình và bụi bặm. “Không thể chịu nổi, tôi đang ngồi đây mà mái tôn đánh rầm giật nảy mình, tưởng chừng cái gì đó trên trời giáng xuống…”, ông T.X.T gần nhà bà H diễn tả trong vẻ hoảng sợ. Tình trạng bất an này bắt đầu từ năm 2022. Lần khác ông T và vợ đang nằm nghỉ trưa trong nhà cũng giật mình sau đó tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt. “Nhà tôi xây năm 2007, từ đó đến nay không có nứt nẻ, đến cuối năm 2020 lát gạch nền nhà, sơn lại cho mới. Từ khi họ nổ mìn khai thác đá núi, sau nhà bị nứt”, vợ ông T nói trong nỗi lo về lâu dài cứ tình trạng này sẽ sập nhà. Ông T xen ngang với giọng buông xuôi: “Kệ nó. Chứ bây chừ biết làm sao”.

untitled-1.jpg
Nổ mìn làm ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Còn bà N.T.M huơ tay nói lớn, nó nổ đùng một cái mất hồn, không phải 1 lần mà 2 lần, lần đầu tiếng nổ lớn hình như lượng thuốc nổ nhiều, lần thứ 2 nhỏ hơn. Cả tổ 12 và thôn An Vinh ai cũng giật mình, bụi đất đá theo gió phủ xuống chân núi, nơi nhà dân sinh sống ảnh hưởng đến người già, trẻ em…

Cách nhà bà M không xa, ông N.V.N ở thôn An Vinh ngồi trước hiên nhà, chuẩn bị làm rẫy kể, tôi thường ngủ trưa trước hiên nhà cho mát, nhưng bị giật mình hoài. Lẽ ra trước khi nổ mìn, họ phải thông báo cho người dân bằng loa hay cái gì chứ, đằng này không thông báo cứ nổ là nổ.

Nhà Trưởng thôn Lập Sơn Đinh Viết Phong nằm trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng. Ông thừa nhận việc nổ mìn đánh đá ở đây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khi chỉ tay lên vết nứt trên ngôi nhà của mình. “Chúng tôi đã báo lên chính quyền địa phương, nhưng chưa thấy nói gì, để tôi còn trả lời lại cho dân”, ông Phong nói.

Điều lạ khi tôi “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, người dân ở đây chia sẻ nỗi khổ của mình nhưng phần lớn xin không để tên lên báo, nhất là người dân thôn Lập Sơn. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng nổ mìn.

123

Mong được bình yên

Công ty Hồng Gia trả lời qua điện thoại, sau khi chúng tôi đến trụ sở công ty nằm dưới chân núi vắng vẻ, nhưng không gặp. “Em xui rồi, lãnh đạo công ty đi công tác…”, bảo vệ công ty lên tiếng. Đầu dây bên kia, bà Trần Thị Mỹ Hạnh khẳng định, không bao giờ công ty nổ mìn mà không thông báo. Đồng thời giải thích, công ty nổ mìn tách đá với lượng thuốc rất nhỏ, có nghĩa ở đây đang ở mức độ xử lý… thì đâu có chuyện ảnh hưởng nhà dân.

UBND xã Tân Lập cung cấp cho tôi báo cáo tình hình hoạt động của Công ty Hồng Gia gây ảnh hưởng đến công trình nhà dân, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý địa bàn của mình. “Qua các lần nổ mìn vào ngày 27/7, 24/8, 4/9, 1/11 năm 2022, người dân trong khu vực phản ánh việc nổ mìn của Hồng Gia làm ảnh hưởng cuộc sống người dân như bụi bặm, tiếng ồn và hư hỏng công trình nhà ở”, báo cáo nêu rõ.

img_3391.jpg
Ngọn núi sau nhà dân khi nổ mìn ít nhiều cũng ảnh hưởng.

Cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đi kiểm tra việc khai thác đá có đảm bảo môi trường tại mỏ khai thác khoáng sản đá xây dựng Hồng Gia. Trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam đã báo cáo về sở tình hình môi trường tại đây. “UBND huyện đã đề nghị Sở Công Thương và các sở, ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá Công ty Hồng Gia thực hiện thiết kế khai thác mỏ, khả năng và phương án phòng tránh sự cố trong khai thác để đảm bảo an toàn”, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Tấn Khôi cho biết.

Tuy nhiên kể từ đó, người dân vẫn sống chung với những tiếng nổ thỉnh thoảng gây chấn động mỗi trưa, lần gần đây nhất là ngày 29/3. Họ không lên tiếng nữa vì nghĩ Hồng Gia hợp đồng dịch vụ nổ mìn tách đá với Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng và có giấy phép của UBND tỉnh. “Có báo lên xã, huyện thì đâu cũng vào đó… chúng tôi cảm thấy mình nhỏ bé trong việc đòi lại bình yên”, bà H nói. “Mong báo Bình Thuận giúp, chuyển tải đầy đủ nỗi khổ của chúng tôi đến ngành chức năng để được sống yên bình, không còn giật mình giữa trưa”, bà H cũng như nhiều người dân nơi đây đề nghị.

Từ thực tế ghi nhận của chúng tôi và thực trạng người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nổ mìn khai thác đá của Công ty Hồng Gia, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát, xử lý. Đồng thời, trong quá trình khai thác công ty cần có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Minh Hoài cho biết, sở có xác nhận việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác mỏ khoáng sản đá xây dựng khu vực Đồi Đá ở xã Tân Lập sau khi nhận văn bản xin gia hạn sử dụng vật liệu nổ của Chi nhánh Vật liệu nổ miền Nam thuộc Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng. Trong đó, sở có đề nghị tổng công ty phối hợp với Hồng Gia, chính quyền địa phương phải thông báo thời gian, địa điểm nổ mìn để công nhân, người lao động trú ẩn và người dân an toàn khi nổ mìn... Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường thanh kiểm tra để có chấn chỉnh, xử lý.

ĐIỀU TRA CỦA NINH CHINH

Related articles
Nổ mìn tại đồi đá ở Tân Lập, 2 người thương vong
BTO- 2 người khai thác đá chẻ tại Đồi đá Km 37 + 42, bất ngờ mìn nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (26/12)
La Gi thu ngân sách vượt dự toán; Táo xanh - hương vị nắng gió vươn xa; Nhân dân đồng tình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; Vì sao Tánh Linh hay bị thiên tai?; Cần làm rõ dấu hiệu lừa đảo qua “chạy” cấp phép mỏ khoáng sản?; Đức Linh: Sự quan trọng của tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới; Hội thảo mô hình “Sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP”… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 26/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất an dưới chân núi Ông Địa