Giàu lên từ hạ tầng thủy lợi, giao thông

06/04/2023, 05:23

Vùng đất một thời khô cằn, hoang hóa vì thiếu nước, đã được hồi sinh nhờ các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông đã vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của huyện, đem lại màu xanh tươi cho nhiều loại cây trồng. Cũng từ đây khắc phục được cảnh “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”.

Những công trình “Ý Đảng, lòng dân”

Những ngày đầu tháng tư này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện (1983 - 2023). Dưới nắng vàng đầu hè, những vườn thanh long bạt ngàn trĩu quả cuối vụ nghịch, đang được mùa, được giá trong sự phấn khởi của nông dân. Từng ruộng lúa vàng ươm của vụ đông xuân đang được nông dân thu hoạch rộ, để chuẩn bị đất cho vụ tiếp theo. Trên tuyến quốc lộ 28 đi qua huyện Hàm Thuận Bắc, những chuyến xe nông sản vừa thu hoạch được chở đi đến nhà máy, điểm thu mua, để vươn ra thị trường. Niềm vui của người nông dân càng nhân lên, khi những năm gần đây, nhờ nguồn nước tưới dồi dào, thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đông xuân bình quân 62 tạ/ha, giá lúa trên 7.000 đồng/kg làm người trồng có lãi. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ những năm đầu thành lập, Hàm Thuận Bắc đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, những thành tựu mà thủy lợi, giao thông mang lại là khó có thể đong đếm, góp phần vào sự thành công ấy.

ho-thuy-loi-song-quao-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-.jpg

Hồ thủy lợi Sông Quao (ảnh: Ngọc Lân)

Ông Lê Văn Ưng – nguyên Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc (từ năm 1989 – 1995) chia sẻ, vào tháng 9/1988, với sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, công trình thủy lợi Sông Quao được khởi công. Đến năm 1994, công trình Sông Quao ngăn dòng tích nước, vừa thi công, vừa khai thác đã đưa nước về sản xuất cho nhiều vùng khô hạn. Có nước, có cơ chế mới trong nông nghiệp, năng lực sản xuất của người dân dường như được giải phóng, đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển sản xuất của huyện. Đến nay, toàn huyện có 45 công trình hồ, đập, ao bàu lớn, nhỏ, trong đó công trình hồ Sông Quao được xem là công trình “Ý Đảng, lòng dân”. Trong giai đoạn này, kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước được quan tâm đầu tư. Ngoài các công trình thủy lợi, năm 1991 điện lưới quốc gia đã về đến trung tâm huyện. Tỉnh lộ 8, nay là quốc lộ 28 cũng được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, lưu thông thương mại, dịch vụ thúc đẩy sự phát triển…

duong-ql-28-qua-huyen-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-2-.jpg

Quốc lộ 28 đi qua huyện Hàm Thuận Bắc (Ảnh: N. Lân)

Phát huy thành tựu

Sông Quao, Kênh 812 – Châu Tá… là những công trình thủy lợi lớn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Nhờ mạng lưới nước tưới, giao thông nội đồng được trải khắp, không chỉ cấp nước cho sản xuất và còn bổ sung nguồn nước ngầm, làm hồi sinh nhiều giếng khoan, giếng đào, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là vào mùa khô. Phát huy những thành tựu về thủy lợi, hạ tầng trên địa bàn huyện, đến nay hàng ngàn ha ruộng từ sản xuất 1 vụ bấp bênh đã tăng lên 2- 3 vụ ăn chắc. Diện tích, năng suất các cây trồng đều tăng, nhất là cây thanh long hiện đang đứng thứ 2 về diện tích trong tỉnh với hơn 5.800 ha, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân.

z4234828347583_2ee2facb7782c0d14aaa30e1e44a214e.jpg
Thanh long đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu (Ảnh: K. Hằng)

Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển ổn định và bền vững, địa phương đã khai thác tối đa các công trình thủy lợi, nhất là hồ Sông Quao, Suối Đá, đẩy mạnh thâm canh và đa dạng các loại cây trồng, nhất là cây thanh long, lúa, cây ăn quả. Trong đó chú ý đến sản xuất ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo đầu ra. Theo đó, tổng sản lượng lương thực của huyện từ 35.000 tấn vào năm 1983 lên 164.000 tấn vào năm 2022 (tăng gấp 4,7 lần). Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi mạnh mẽ, khắc phục tình trạng độc canh cây lúa. Ngoài ra, kinh tế trang trại, gia trại phát triển và có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện toàn huyện có 45 trang trại, với các loại cây trồng, con nuôi. Nhờ đó, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ngày càng đa dạng, năng suất, sản lượng ngày tăng cao, giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha. Đời sống của người dân trong huyện không ngừng cải thiện và nâng lên. Song song, nhiều tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư nâng cấp như quốc lộ 28 đi Di Linh, Đà Lạt; đường ĐT 714 lên các xã vùng cao kết nối với TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng); các tuyến đường liên huyện, xã được nhựa hóa khang trang sạch đẹp tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc…

“Trải qua 40 năm thành lập và phát triển, vượt qua bao khó khăn thử thách, Hàm Thuận Bắc đang vững vàng, khát vọng, tự tin bước vào trang sử mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hiện đại”. Đó là lời của ông Nguyễn Ngọc Thạch – Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc khi đánh giá về chặng đường phát triển của quê hương Hàm Thuận Bắc. Trong đó, không thể không nhắc đến sự phát triển kinh tế từ hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông…

KIỀU HẰNG

Related articles
Xứng danh anh hùng !
BT- Tận dụng tốt cơ hội, chủ động trước thách thức, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, ý chí phấn đấu vươn lên trong cộng đồng. Cùng với đó là sự đoàn kết, đồng hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân để đưa Hàm Thuận Bắc phát triển xứng danh anh hùng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giàu lên từ hạ tầng thủy lợi, giao thông