Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động

30/03/2023, 06:01

Bà Kiểu Thị Đoan Trang ở thôn Thái Hiệp, xã Hồng Thái sau khi học nghề nấu ăn đã về mở dịch vụ ẩm thực không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hay ông KKênh, KDẹp, KSẽ ở xã Phan Sơn sau khi hoàn thành khóa học nghề thú y đã có công việc ổn định khi liên kết với Trung tâm Khuyến nông huyện và hỗ trợ bà con địa phương công tác chuyên môn chăn nuôi và thú y tại xã…

Đây là vài trường hợp trong số hàng trăm lao động đã học nghề và khấm khá từ nghề đã học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bắc Bình. Những năm qua, trung tâm phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện, UBND cấp xã thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn và nhu cầu sử dụng lao động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch dạy nghề, để tuyển sinh đào tạo hàng năm cho phù hợp với ngành nghề.

z4220284450882_1204a294e994fecc4a75c88628263228.jpg
Lớp đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN- GDTX huyện Bắc Bình.

Tính từ năm 2012 đến 2022, công tác đào tạo nghề hàng năm tại huyện Bắc Bình đều đạt 100% kế hoạch tỉnh giao. Theo đó, hàng năm trên địa bàn huyện đã giải quyết trên 2.500 lao động có việc làm, có thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bắc Bình cho biết: Tính đến hiện nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp 19 nghề, bao gồm 8 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp, trong đó sơ cấp 11 nghề, dưới 3 tháng là 8 nghề. Chủ yếu đào tạo các ngành, nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phổ biến tại địa phương. Trong đó, các nghề có thế mạnh của địa phương như trồng và chăm sóc cây thanh long, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo vệ thực vật, trồng cây lương thực, trồng cây ăn trái, thú y, nuôi trồng thủy sản… Sau học nghề, người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Điều đáng nói, việc tổ chức đào tạo nghề tại các xã, thị trấn cơ bản bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tại, Bắc Bình đang phát triển công nghiệp và du lịch. Trong buổi đầu này, các doanh nghiệp đều tự tuyển lao động có tay nghề về làm việc tại các nhà máy, đơn vị trên địa bàn huyện. Song song cũng tuyển các lao động phổ thông trên địa bàn. Với cơ cấu kinh tế công nghiệp – thương mại, dịch vụ - nông nghiệp đang hình thành rõ nét theo thời gian, Bắc Bình sẽ hình thành 1 thị trường lao động nhiều triển vọng. Vì vậy, những khó khăn như thị trường lao động tại địa phương chưa đa dạng, chủ yếu tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp… sẽ thay đổi.

Đó là những biểu hiện mà trung tâm đã dự đoán trước. Theo bà Nguyên, những năm tới, Trung tâm GDNN – GDTX huyện sẽ liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh mở rộng đào tạo thêm các ngành nghề theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và theo nhu cầu của người lao động như nghề điện lạnh, dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn…Đồng thời, phối hợp với công ty, các doanh nghiệp để xác định ngành nghề đào tạo theo yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động, đảm bảo có việc làm sau học nghề cho người dân.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Bắc Bình sẽ đào tạo nghề cho lao động nông thôn các lĩnh vực khoảng 1.000 người, bình quân đạt 200 người/năm (nghề nông nghiệp 150 người/năm, nghề phi nông nghiệp 50 người/năm). Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, ít nhất có trên 80% số người học nghề có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao...

HÀ TRÚC

Related articles
Trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên
Ngoài đào tạo, trang bị kiến thức cho sinh viên thì việc chú trọng trang bị kỹ năng mềm sẽ giúp sinh viên tự tin, giải quyết vấn đề và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, thành công trong công việc.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động