Nguồn nước ngầm, nước mặt bị suy giảm
Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm), bước vào mùa khô năm 2023, nguồn nước mặt cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên, một số nguồn nước mặt bị suy giảm mạnh nên chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất nhà máy, gồm khu vực Thiện Nghiệp (nguồn nước thô từ Bàu Chát), Hàm Mỹ (nguồn nước thô từ khe ông Dò và khe bà Màng), Đức Bình (nguồn nước thô từ khe suối Nông). Riêng đối với các công trình khai thác từ nguồn nước ngầm hầu hết đều không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, do nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy, nhất là khu vực Lương Sơn, Hàm Phú, Mũi Né, Phú Quý.
Trong khi đó, vào mùa khô nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao, vì vậy Trung tâm cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực để đảm bảo cấp nước ổn định, hạn chế mức thấp nhất về thiếu nguồn nước sinh hoạt. Theo ông Trần Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đơn vị đã có văn bản gửi các địa phương ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt và đề nghị Điện lực Bình Thuận ưu tiên nguồn điện ổn định cấp cho các Nhà máy nước hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Ngoài ra, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và không sử dụng nguồn nước sạch phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu khác chưa cần thiết để ưu tiên phục vụ cho sinh hoạt. Song song, Trung tâm thực hiện đồng bộ từ việc đăng ký với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi về nhu cầu sử dụng nguồn nước thô đối với các nhà máy nước năm 2023, nhằm đảm bảo nguồn nước cho nhà máy hoạt động ổn định. Đồng thời chủ động kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, đường ống không để xảy ra sự cố kỹ thuật làm gián đoạn cấp nước, tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày. Song song, xây dựng phương án phòng, chống cháy nổ và điều tiết cấp nước theo tuyến hoặc theo khu vực phù hợp với tình hình thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình
Theo lãnh đạo Trung tâm, hiện nay đối với các công trình cấp nước đang hoạt động vượt công suất thiết kế nhưng chưa có điều kiện về kinh phí để đầu tư nâng cấp như Phú Long, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Tân Hải, Thiện Nghiệp, Mũi Né, Sơn Mỹ… đơn vị có kế hoạch tăng cường bổ sung nguồn nước sạch qua thủy kế tổng từ các nhà máy nước đô thị của Công ty cổ phần Cấp thoát nước hoặc từ các nhà máy nước lân cận. Mặt khác, tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp trong năm 2022 như Nâng cấp hệ thống nước Phan Tiến nối mạng xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình; Nâng cấp mở rộng hệ thống nước Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết; Trạm bơm tăng áp và tuyến ống cấp nước xã Sùng Nhơn và ĐaKai, huyện Đức Linh…
Theo ông Trần Văn Liêm, để cung cấp nước sinh hoạt ổn định và lâu dài, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước từ nguồn vốn Trung ương, địa phương, vốn của các nhà tài trợ. Qua đó để xây dựng các công trình cấp nước có công suất lớn trên địa bàn các huyện với vị trí xây dựng nhà máy nước liền kề các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn của tỉnh. Song song, chú trọng đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước hiện có theo hướng nâng công suất và cải thiện chất lượng nước cấp đáp ứng yêu cầu lưu lượng và đạt chất lượng nước theo tiêu chuẩn. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành Dự án Nhà máy nước huyện Hàm Thuận Bắc công suất 10.000 m3/ngày thuộc nguồn vốn vay ODA của Italia, nhằm cung cấp nước nguồn nước sạch cho người dân 13/17 xã, thị trấn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc.
Thêm yếu tố quan trọng để đảm bảo cấp nước ổn định, hạn chế thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2023 là các địa phương cần vận động người dân, nhất là các vùng thường xảy ra hạn hán sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo trì bảo dưỡng các công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan... để phòng khi hạn hán nặng nề xảy ra, ảnh hưởng đến nguồn nước thô của nhà máy nước, phải ngưng cấp nước cục bộ.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý vận hành 41 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 54.150 m3 /ngày đêm, phục vụ cấp nước trên địa bàn 2 phường, 9 thị trấn và 55 xã; cung cấp trên 77.000 khách hàng sử dụng (chưa tính số khách hàng sử dụng chung). Trong đó có 26 công trình khai thác nguồn nước thô từ nước mặt, 15 công trình khai thác nguồn nước ngầm.