Chú trọng quy hoạch đất, tính tiền sử dụng đất

22/03/2023, 05:36

Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều đại biểu sở, ngành, cấp huyện, hội đoàn thể, hội nghề nghiệp, người dân quan tâm, bởi liên quan phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương những năm đến, quyền lợi người dân.

Quy hoạch dựa trên khả năng sử dụng đất

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều quy định cụ thể hơn, bổ sung nhiều điểm mới. Dự thảo Luật đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất (SDĐ) theo các khu vực (khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích SDĐ, khu vực hạn chế chuyển mục đích SDĐ, khu vực được chuyển mục đích SDĐ (Điều 63)). Đồng thời, dự thảo bổ sung nội dung “Khoanh định đất khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến phát triển hạ tầng, điểm kết nối giao thông (đối với quy hoạch SDĐ quốc gia, quy hoạch SDĐ cấp tỉnh). Dự thảo bổ sung căn cứ lập quy hoạch SDĐ quốc gia, quốc phòng, an ninh và cấp huyện so với luật hiện hành, đó là không chỉ dựa trên “nhu cầu SDĐ” mà còn phải dựa trên “khả năng SDĐ”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung điều, khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch SDĐ không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai, đồng thời nên quy định rõ thời gian không triển khai dự án, sẽ hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân.

dsc05274.jpg
Quy hoạch sử dụng đất phát triển cụm công nghiệp huyện Hàm Tân.

Về nghĩa vụ chung của người SDĐ, khoản 1, Điều 193 dự thảo nêu: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất, chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất, tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”; nhưng ở đây chưa quy định độ sâu, chiều cao bao nhiêu là chưa đầy đủ, cần quy định rõ. Do vậy, cần làm rõ vấn đề sử dụng độ sâu trong lòng đất như thế nào thì được phép sử dụng, quy định rõ “theo quy định tại văn bản nào, ai quy định”, bởi vấn đề liên quan đến các quyền SDĐ xây dựng công trình ngầm trong đất. Thực tế quy hoạch khai thác titan ở Bình Thuận liên quan vấn đề này.

Bồi thường đảm bảo quyền lợi người dân

Liên quan vấn đề bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật Đất đai cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”, tính đến tính chất nghề nghiệp của người bị thu hồi, trượt giá, tạo công ăn việc làm sau thu hồi…Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất, thực hiện công khai đúng quy định về giá, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật; việc tái định cư đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm nóng, đại diện Đoàn Luật sư Bình Thuận góp ý dự thảo Luật do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh tổ chức mới đây.

Về căn cứ, thời điểm tính tiền SDĐ, tiền thuê đất, tại khoản 3 Điều 126 dự thảo quy định “thời điểm tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền SDĐ, kết quả trúng đấu thầu dự án có SDĐ, quyết định công nhận quyền SDĐ, gia hạn SDĐ, chuyển hình thức SDĐ, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất”. Tuy nhiên, xét trên thực tế quy định này còn có điểm chưa phù hợp, bởi vì đối với trường hợp khi có kết quả trúng đấu thầu, nhà đầu tư có thể phải đợi rất lâu để giải phóng mặt bằng, giao đất sạch thực hiện dự án. (Thời điểm quyết định, thời điểm thực hiện quyết định, thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ khác nhau). Vì vậy, các huyện đề nghị điều chỉnh lại quy định trên theo hướng “thời điểm tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận quyền SDĐ”, tính từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ (quyền, nghĩa vụ).

THÁI KHOA

Related articles
Bắc Bình tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các ngành chức năng của huyện Bắc Bình đã tuần tra, phát hiện, xử lý 37 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và đã ra 4 quyết định khởi tố vụ án hình sự các vụ phá rừng chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện xử lý theo quy định. Tổ chức giám định 1 vụ phá rừng để xem xét khởi tố vụ án hình sự. Các đơn vị chủ rừng đã phát hiện, xử lý 34 trường hợp lấn chiếm đất rừng, với diện tích 37,23 ha.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng quy hoạch đất, tính tiền sử dụng đất