Bình quân gần 160 ca/tuần
Theo Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, từ tháng 6/2022 đến nay, khoa nhi tiếp nhận điều trị hơn 2.300 bệnh nhi, trong đó có hơn 250 ca nặng. Riêng 2 tuần cuối của tháng 2/2023, số ca mắc mới nhập viện vẫn ở mức cao, trung bình 60 ca SXH điều trị nội trú/ngày. Thậm chí, trong gia đình có 2 trẻ cùng nhập viện để điều trị SXH.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết: Năm 2022, các biến chứng từ Bình Thuận chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có 69 trường hợp nặng. Ngành y tế Bình Thuận đã chủ động phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tổ chức các buổi tập huấn cho các bác sĩ ở các tuyến cơ sở để trẻ nhận được sự điều trị tốt. Kết quả cuối cùng là trẻ phục hồi nhanh.
Tính đến thời điểm này, Bình Thuận ghi nhận hơn 1.260 ca mắc SXH, tăng gấp 6,4 lần so cùng kỳ 2022; bình quân gần 160 ca/tuần; xuất hiện 10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh; với 82 ổ dịch được xử lý tăng, gấp 4,8 lần so cùng kỳ năm 2022. Tuần thứ 4 của tháng 2/2023 có 200 ca mắc trên toàn tỉnh, tăng cao so các tuần trước đó. Qua số liệu cho thấy số ca bệnh SXH tăng nhiều trong 2 tháng đầu năm 2023. Số ca mắc tập trung cao tại 3 huyện gồm Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, chiếm 58,4% tổng số ca mắc toàn tỉnh. Nhóm trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh này chiếm 62% tổng số ca mắc. Mặc dù đợt cao điểm của bệnh SXH đã qua, nhưng số ca mắc mới vẫn còn tăng cao.
Nguyên nhân tăng
Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch – Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Năm 2022, số ca mắc SXH tại Bình Thuận tăng cao gấp 5,5 lần so với năm 2021; đến nay số ca mắc vẫn còn cao. Năm 2022 là năm chu kỳ của dịch bệnh, không riêng gì tại Bình Thuận, nhiều tỉnh, thành khác tại miền Trung và miền Nam cũng ghi nhận số ca mắc, tử vong nhiều. Sau 2 năm khó khăn do dịch Covid-19, việc đấu thầu mua hóa chất cũng khó khăn, không đủ hóa chất phun diện rộng. Trước khó khăn như thế, các địa phương tăng cường vai trò UBND cấp xã, phường vận động các mạnh thường quân hỗ trợ hóa chất để phun diệt muỗi trưởng thành.
Chuyện đáng lo ngại nhất là người dân chưa quan tâm việc phòng bệnh. Thông qua kiểm tra, xung quanh nhà người dân còn nhiều vật phế thải đọng nước, lăng quăng có trong các vật dụng chứa nước. Thêm vào đó, sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể chung tay cùng người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi chưa thực hiện triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến dự báo: “Trong thời gian tới, tình hình bệnh SXH có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh do điều kiện thời tiết thất thường, mưa trái mùa và chỉ số côn trùng cao. Toàn ngành y tế đã chủ động phối hợp các tuyến nhằm nâng cao năng lực điều trị và triển khai công tác dự phòng ở mỗi tuyến cơ sở. Tuy nhiên, cả 2 khâu dự phòng và điều trị vẫn rất cần sự phối hợp, cùng với đó là ý thức phòng bệnh từ người dân.
Hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa khô, đặc biệt ở vùng thiếu nước người dân có thói quen trữ nước. Vì vậy, ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân dùng vải mùng và nắp đậy kín lu chứa nước tránh muỗi đẻ trứng. Cứ 7 ngày cọ rửa vật dụng chứa nước 1 lần, úp vật phế thải quanh nhà tránh ứ đọng nước để diệt lăng quăng, diệt muỗi.