Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo Mỹ đang cố gắng giải thích chuyện gì đang diễn ra liên quan đến ba vật thể bay không xác định (UFO) trên bầu trời Alaska, Canada và Michigan. Các vật thể đã bị các máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ bằng tên lửa vào ngày 10, 11 và 12/2.
Tờ Business Insider (Mỹ) đưa tin chỉ trong vòng một tuần, có đến 4 vật thể, gồm một khinh khí cầu Trung Quốc và 3 thiết bị nhỏ hơn, bị bắn hạ.
Tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ đã bắn hạ một vật thể bay không xác định trên hồ Huron vào chiều 12/2 theo giờ địa phương ở gần biên giới Canada, tiếp sau các động thái tương tự ở miền Bắc Canada vào ngày 11/2 và trong không phận Alaska hôm 10/2. Các quan chức Mỹ cho biết vật thể bị bắn hạ tại Alaska bay ở độ cao trên 12 km gây rủi ro cho các máy bay dân sự.
Trước đó, tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ vào ngày 4/2 đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy của Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Phương Bắc (USNORTHCOM) trong phát biểu với báo giới hôm 12/2 tiết lộ NORAD đã triển khai tìm kiếm các vật thể bay nhỏ, di chuyển chậm đồng thời điều chỉnh sàng lọc dựa trên độ cao. Trong khi đó, các radar của NORAD đang tìm kiếm các chiến đấu cơ di chuyển ở tốc độ cao hơn.
Tướng VanHerck chia sẻ: “Điều chúng ta đang thấy là những vật thể rất nhỏ tạo ra tiết diện mục tiêu vô cùng thấp. Chúng là những vật thể rất chậm trên không gian, di chuyển với vận tốc của cơ bản của gió”.
Ông VanHerck nói rằng việc tăng khả năng phát hiện các vật thể này có thể bắt nguồn từ việc điều chỉnh hệ thống radar và các nhà vận hành cũng trong tình trạng “cảnh giác cao độ”, xem xét kỹ càng những vật thể nhỏ và chậm.
Mặc dù Mỹ nhận diện vật thể bay bị bắn hạ hôm 4/2 là khinh khí cầu của Trung Quốc thì 3 vật thể còn lại vẫn chưa được lý giải rõ và phía quân đội Mỹ, Canada chỉ đưa ra vài chi tiết về kích cỡ, hình dạng cùng mục đích của chúng.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melissa Dalton ngày 12/2 cho biết mặc dù Mỹ chưa thể nhận diện 3 vật thể còn lại nhưng việc bắn hạ chúng được đưa ra dựa trên “sự cẩn trọng để bảo vệ an ninh và lợi ích” của Mỹ.
Bà cũng bổ sung rằng những vật thể này không mang lại “động lực rủi ro quân sự” nhưng chúng lại di chuyển gần với các cơ sở quân sự nhạy cảm của Mỹ, bên cạnh đó, độ cao thấp của chúng cũng có thể ảnh hưởng các máy bay dân sự.
Bà Dalton nhấn mạnh: “Chúng tôi đã xem xét kỹ càng hơn không phận Mỹ ở độ cao này, trong đó có việc nâng cấp radar. Điều đó có thể giải thích cho việc có nhiều vật thể được phát hiện trong tuần qua. Chúng tôi cũng biết rằng nhiều quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu đang vận hành các vật thể ở độ cao này vì mục đích không phải bất chính, trong đó có nghiên cứu hợp pháp”.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ vận hành khinh khí cầu di chuyển trên độ cao lớn qua không phận nước này trái phép trên 10 lần trong năm 2022. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong buổi họp báo ngày 13/2 nói: “Kể từ năm 2022, khinh khí cầu độ cao lớn của Mỹ đã hiện diện tại không phận Trung Quốc trên 10 lần mà không được sự cho phép của chính quyền Trung Quốc”. Ông Uông Văn Bân không đề cập chi tiết về cách Trung Quốc xử lý những khinh khí cầu này và chúng có liên quan đến chính phủ hay quân đội Mỹ hay không.
Phía Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi không điều khiển khinh khí cầu qua Trung Quốc”.