Thanh long lại “được giá, mất mùa”?

11/01/2023, 04:51

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, thị trường hàng hóa sôi động hơn thường lệ. Chuyện mua bán trái thanh long Bình Thuận thời điểm này cũng “nóng” trở lại, khác hẳn sự đìu hiu mấy tháng trước đó. Phải chăng, điệp khúc “được giá, mất mùa” lặp lại, bởi giá bán tại vườn cao, hiện trên dưới 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do nông dân ít chong đèn, sản lượng khan hiếm…

Giá cao, hàng ít

Hiện nay, nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đang rất phấn khởi, khi lứa thanh long chong đèn vụ nghịch dịp tết có giá cao từng ngày. Bên cạnh, cũng không ít hộ tiếc nuối vì thanh long khan hàng, sản lượng ít nên không có bán. Đơn cử, sau nhiều ngày tất bật chăm sóc vườn thanh long rải vụ chong đèn trái vụ với hơn 1.000 trụ, hộ ông Nguyễn Tánh, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) hiện có 350 trụ cho trái, ước sản lượng khoảng 3 tấn, dự kiến thu hoạch vào ngày 25 tháng chạp tới. Theo ý kiến của nông dân này, hiện nhu cầu tiêu thụ thanh long dịp tết bắt đầu tăng cao, bình quân 20.000 đồng/kg thanh long ruột trắng. Đáng ghi nhận, không ít thương lái đến tận nhà vườn gom thanh long chín, thậm chí đặt cọc tiền trước cho nông dân dù trái vẫn còn xanh.

z3975813564411_394f02d7a042db27543b2becad4ce537.jpg
Thanh long Bình Thuận.

Thực tế trên cũng là điểm chung tại vùng trồng thanh long Bình Thuận thời điểm hiện tại. Bởi xuất phát từ mấy lứa chong đèn trước bị thua lỗ, nên vụ tết này diện tích thanh long được nông dân chong đèn rất ít và rải vụ. Mặt khác, do ảnh hưởng thời tiết thất thường dịp cuối năm, cũng như chế độ chăm sóc dè dặt do chi phí lớn, nên nhiều vườn chong đèn thanh long bị “gãy”. Từ đó kéo theo sản lượng thu hoạch thanh long dịp trước tết không nhiều.

img_2243.jpeg
Thanh long thời kỳ ra hoa.

Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, giá thanh long liên tục nhích lên trong những ngày gần đây là do nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thanh long hiện trong và ngoài nước rất lớn, nhất là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Đặc biệt, theo đánh giá của một số doanh nghiệp thu mua, kinh doanh mặt hàng này tại huyện Hàm Thuận Nam, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu thụ thanh long nội địa tăng mạnh. Đáng chú ý là người tiêu dùng đang có xu hướng mua hàng chưa chín để đơm cúng được lâu hơn. Do đó, tình hình tiêu thụ nông sản này tại các khu chợ trong nước đang rất tốt, khởi sắc. Với giá hiện nay, nếu nhà vườn thu hoạch thanh long sản lượng khá, sẽ có thu nhập trong vụ tết. Dự kiến từ nay đến mùng 7 tháng giêng âm lịch, giá thanh long vẫn giữ ở mức cao.

Nghịch lý cung - cầu

Quay trở lại thời điểm khoảng 1 tháng trước đây, khi sản lượng thanh long khá dồi dào, nông dân chỉ bán được giá từ 5.000 – 8.000 đồng/kg nên không có lãi, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên thời điểm này giá đã tăng hơn gấp đôi nhưng không có hàng để bán. Thậm chí, nếu so sánh cùng thời điểm này năm ngoái, giá thanh long chỉ có giá vài ngàn đồng/kg, thậm chí không ai mua dẫn đến nông dân thua lỗ nặng. Đây cũng chính là lý do chính khiến nông dân rất dè dặt chong đèn và bố trí rải vụ Tết Nguyên đán Quý Mão để hạn chế rủi ro.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá thanh long xuống thấp. Cùng với đó, nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ trồng thanh long đã phá bỏ, không tiếp tục duy trì sản xuất. Tính đến cuối tháng 12/2022, diện tích thanh long tại Bình Thuận còn khoảng 26.977 ha, giảm 5.283 ha; sản lượng đạt 600.500 tấn, giảm 80.400 tấn so năm 2021.

Rõ ràng, xuất phát từ việc hầu hết sản lượng thanh long Bình Thuận đều xuất khẩu biên mậu qua thị trường Trung Quốc khiến nông dân luôn nắm giá “đằng chuôi”. Đây là phương thức bán hàng phụ thuộc vào người mua chứ không phải do người bán quyết định. Vì vậy, giá cả thường xuyên biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất thanh long của tỉnh khi thị trường này có sự thay đổi về chính sách hoặc bị ách tắc do thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Và rõ ràng trước nhất, đó là việc tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”.

Thị trường thanh long hiện đang rất sôi động, giá bán cao. Đó là niềm vui dịp cuối năm của nông dân, doanh nghiệp Bình Thuận. Tuy nhiên cũng cần đặt câu hỏi: Liệu giá bán này có kéo dài, hay chỉ là thời điểm “khan hàng” để tiếp tục thử thách sự tính toán, may rủi của người trồng thanh long?

KIỀU HẰNG

Related articles
Coi trọng chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long
Việc phát triển chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận để giữ gìn thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước sau đại dịch Covid-19; nhất là trái cây lợi thế này đang được xuất khẩu gần 20 thị trường ở nước ngoài. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) để rõ hơn phát triển chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng này.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long lại “được giá, mất mùa”?