Đập Suối Đó Tân An - chuyện bây giờ mới kể

06/01/2023, 05:15

Đập Suối Đó Tân An được xây dựng và hoàn thành năm 1989, thế kỷ 20. Đây được xem là sự khởi đầu thành công tuyệt vời của ngành thủy lợi huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ.

Đập đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng lúa và hoa màu của bà con nông dân các xã Tân An, Tân Thiện và một phần cánh đồng La Gi.

suoi.jpg
Ảnh có tính chất minh họa.

Nhưng đằng sau những thành công đó, để có được con đập mà nông dân hằng ao ước là câu chuyện dài ít người biết đến. Suối Đó bắt nguồn từ vùng Bưng Kè Tân Xuân Hàm Tân, chảy qua địa phận Tân An và nhập vào sông Dinh. Suối không lớn, nhưng có lượng nước khá nhiều và lưu thông quanh năm.

Từ năm 1980 đến 1990 phong trào trồng dâu nuôi tằm ở xã Tân An phát triển rất mạnh. Đây được coi là loại cây trồng chiến lược ở thời điểm này. Nhiều công ty, xí nghiệp ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đến Hàm Tân để hợp tác phát triển. Tất nhiên xã Tân An (nay là phường Tân An, thị xã La Gi) nơi bắt nguồn của dâu tằm, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh nuôi trồng thực nghiệm nhiều loại giống tằm, lưỡng hệ, đa hệ và các giống dâu bầu, tam bội… đã chuyển giao lại cho công ty liên doanh của huyện tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín.

Tuy nhiên đối với chính quyền Tân An, vào thời điểm này vẫn còn đau đáu một điều là làm sao xây được con đập Suối Đó, trước mắt để bà con hai làng Phước Bình và Phước An có nước để tưới cho cây dâu và hoa màu. Ý định ấy được đem ra bàn bạc với kỹ sư Thành -Trưởng phòng Thủy lợi Hàm Tân. Sau nhiều lần khảo sát, thu thập địa chất, lưu lượng nước tưới… Kỹ sư Thành khẳng định, nếu đập Suối Đó hoàn thành có thể dẫn nước đủ tưới cho hàng trăm ha không chỉ ở Tân An mà cả cánh đồng Tân Thiện vốn năm nào cũng bị khô hạn. Một điều hết sức ngạc nhiên, theo tính toán của anh Thành, đập có giá trị lớn, nhưng đầu tư không cao, do ta có thể tận dụng toàn bộ nền đá bàn vắt ngang qua suối, đây là móng đập tự nhiên vô cùng kiên cố. Anh ước lượng làm xong đập tốn không quá 60 triệu đồng.

Với một kết quả khảo sát khả quan như vậy, nhưng ngành thủy lợi cũng đành bó tay vì không có kinh phí. Và một lần nữa, chính quyền Tân An, vì bức xúc chuyện dân, lại phải gánh vai đi xin tiền làm đập.

Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 7, tháng 8 gì đó năm 1988, sau khi biết được thông tin huyện sẽ đến Tổng công ty dâu tằm tơ Bảo Lộc xin vốn để làm thủy điện Tân Xuân. Tôi đánh liều xin ý kiến Bí thư Đảng ủy xã Tân An lúc bấy giờ là đại tá Võ Như Loan, cho tôi được lên trước, may ra còn có cơ hội xin được ít vốn về làm đập. Bí thư đồng ý, trong vai trò Chủ tịch xã, tôi và Đỗ Mạnh Tuân nhân viên UB, lấy chiếc xe cúp 70, đúng 12 giờ trưa lên đường đi Bảo Lộc để gặp Tổng giám đốc dâu tằm tơ Việt Nam Nguyễn Văn. Tám giờ đêm đến Bảo Lộc, trời cao nguyên mưa phùn lạnh cắt da, hai anh em nằm trong phòng khách chờ sáng. Chín giờ đêm bảo vệ đến gõ cửa, bảo tôi ra ngoài đồng chí Nguyễn Văn gặp. Do chỗ gần 10 năm gắn bó thân tình nhau qua chuyện dâu tằm, anh Văn xem tôi như đứa em, nên tôi không ngại nói hết những gì địa phương mình cần. Với tính nhanh nhẹn, giải quyết việc gì dứt điểm việc đó, anh lấy giấy ra và viết ngay, nội dung đại loại, đồng ý hỗ trợ cho xã Tân An thông qua hợp tác xã Tân An II 50 tấn phân đạm, nhận tại Cảng Sài Gòn để hoán đổi thành tiền xây đập Suối Đó.

Cũng trong đêm hôm đó, lên sau tôi chừng 2 tiếng, có đoàn của Hàm Tân do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Cảnh dẫn đầu đến trao đổi công việc với Tổng giám đốc Văn. Tất nhiên là Tổng giám đốc Văn phải chối khéo.

Đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được, thức vì mừng, thức vì lo, không biết ngày mai sẽ nói sao với Bí thư Huyện ủy của mình. Cũng may sáng hôm sau đến chào từ biệt, gặp anh Văn và anh Cảnh đứng trước tiền sảnh nhà khách, hai anh nhìn tôi cười, nụ cười đầy thông cảm. Có được tờ “bửu bối” trong tay, tôi về báo lại cho Đảng ủy, Ủy ban biết và mời chủ nhiệm HTX Tân An 2 đến giao nhiệm vụ liên hệ các đơn vị liên quan để nhận phân. Không lâu sau số phân ấy được bên dâu tằm cho nhận ngay Cảng Sài Gòn, toàn bộ số phân được chuyển giao lại cho vật tư huyện để nhận lại khoản tiền trên 30 triệu đồng. Có được trên nửa số vốn rồi, ngành thủy lợi do kỹ sư Thành trực tiếp chỉ huy được Ủy ban huyện phân công đứng ra lập hồ sơ thiết kế và thi công. Số vốn còn thiếu trên dưới 20 triệu đồng tiếp tục huy động nhân dân hai xã Tân An và Tân Thiện đóng góp.

Mùa khô năm 1989 đập Suối Đó hoàn thành và đưa kênh dẫn nước từ Phước Bình, Tân An qua Phước An rồi nhập vào kênh Đá Dựng đưa nước về cánh đồng Tân Thiện. Nguồn nước về, tiếp thêm sức cho đồng lúa thêm xanh, hạt vàng thêm mẩy và nụ cười đã tươi nở trên môi của những người nông dân một nắng hai sương.

Đập Suối Đó bây giờ vẫn còn đó, kênh dẫn nước vẫn chắt chiu từng giọt mang đến ruộng đồng. Nhưng mấy ai biết được gian nan một thời chính quyền làm thủy lợi.

NGÔ VĂN TUẤN

Related articles
Quán quân Bolero Lê Thúy Hiền: Ước mơ được cống hiến
Cuộc thi Bolero mùa 4 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Quán quân đã thuộc về Lê Thúy Hiền, sinh viên năm 2 đại học Thanh nhạc đã bật khóc khi được gọi tên trên sân khấu.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đập Suối Đó Tân An - chuyện bây giờ mới kể