Giữ “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế

04/01/2023, 05:14

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế của Bình Thuận có tín hiệu khởi sắc trở lại, trong đó nhiều lĩnh vực đã khôi phục khá nhanh và đạt mức tăng trưởng cao. Do vậy bước vào năm 2023, địa phương tiếp tục nỗ lực vượt khó cũng như tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để giữ vững “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà.

Bức tranh kinh tế của Bình Thuận trong năm 2022 vẫn thể hiện gam màu sáng chủ đạo, nhất là với 3 trụ cột đã được xác định. Đó là: Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,36% so cùng kỳ năm trước (riêng công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 16,67%), du lịch đón lượng khách và đạt doanh thu lần lượt tăng gấp 3,22 lần và 3,29 lần so năm 2021. Năm vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng tăng 25,1%, còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng hơn 23% và huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,33% so cùng kỳ năm trước…

fbace9239a8e5fd0069f.jpg
Du lịch là một trong những  ngành kinh tế của Bình Thuận phục hồi khá nhanh sau đại dịch (Ảnh minh họa).

Cùng với giao thông đối ngoại dần hoàn thiện và thế mạnh của 3 trụ cột tiếp tục phát huy, những kết quả nêu trên được kỳ vọng tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế Bình Thuận. Theo đó trong năm 2023, địa phương sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời phát triển mạnh mẽ 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển… Đối với công nghiệp, chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến - chế tạo. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao (nhất là với chế biến nông - lâm - thủy sản và những sản phẩm lợi thế của tỉnh). Tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thi công hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, phát huy hạ tầng kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh để hình thành một số khu công nghiệp theo hướng kết hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

img_1041.jpg
Khách quốc tế chọn Mũi Né là điểm đến nghỉ dưỡng vào dịp Tết Dương lịch 2023.

Năm nay, Bình Thuận cũng tăng cường xúc tiến mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu và năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ theo quy hoạch. Nỗ lực giữ vững hình ảnh điểm đến Bình Thuận “an toàn - thân thiện - chất lượng”, phối hợp tổ chức thành công các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023, nhằm góp phần phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch Bình Thuận nói riêng. Ở lĩnh vực dịch vụ, địa phương vừa coi trọng thị trường nội địa, vừa tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác, liên kết để mở rộng tiêu thụ hàng hóa trong nước lẫn xuất khẩu… Bên cạnh đó còn khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện tỉnh nhà.

Tới đây địa phương sẽ phối hợp và tạo điều kiện hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh) trước ngày 30/4/2023, nâng cấp các tuyến đường ven biển, tạo ra hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Tích cực huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng đến khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để góp phần giữ “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Bình Thuận năm 2023…

Đ.QUỐC

Related articles

Đón năm mới 2023 tại các khu du lịch
BTO-Sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid - 19, dịp Tết Dương lịch năm nay với thời gian nghỉ ngắn ngày (từ 31/12/2022 - 2/1/2023) lại cận kề với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên lượng khách đến nghỉ dưỡng tại Bình Thuận nhìn chung không đông như thời điểm trước đại dịch.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế