Lối sống tối giản

23/12/2022, 06:03

Chọn lối sống phù hợp với nhịp độ phát triển xã hội hiện nay quả là vấn đề mọi người ai cũng quan tâm, suy nghĩ, để làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, thăng bằng hơn, đặc biệt là giới trẻ. Điều đó đang được rộ lên thành một trào lưu lan tỏa khắp nước Nhật, một đất nước phát triển mọi mặt được xếp vào danh sách hàng đầu thế giới.

Cách lựa chọn lối sống trở thành trào lưu rộ lên đó từ khi Sasaki Fumio – một thanh niên người Nhật, sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành giáo dục, làm biên tập viên ở công ty Wanibooks, cho ra đời cuốn Lối sống tối giản của người Nhật(*), không chỉ được đón nhận nồng nhiệt ở khắp nước Nhật mà còn lan tỏa ra các nước trên thế giới. Lối sống tối giản (Lối sống Minimalism) ở đây là sự sắp xếp lại mối quan hệ giao tiếp, cũng như mọi vật trong nhà và việc lựa chọn quyết định khi mua sắm hợp lý nhất. Sách còn có tên tiếng Anh là Goodbye, Things (Tạm biệt đồ đạc).

loi-song-gian-di.png

Đọc Lối sống tối giản của Sasaki Fumio mới vỡ những điều đang diễn ra quanh mình trong cuộc sống hằng ngày. Trước tiên thấy việc mua sắm của phái nữ, càng lớn tuổi thì mua sắm càng nhiều trang phục cho bản thân, như áo quần, giày dép, có người mua về treo móc đầy kín hai, ba tủ, mà có những bộ nhiều khi 3, 4 năm, có khi cả chục năm chưa dùng đến – nói điều này mong quý cô thông cảm, bởi tôi tìm hiểu Lối sống tối giản của Sasaki Fumio đang lan tỏa và được công chúng khắp nơi đồng tình, ủng hộ.

Sách có 5 chương: Chương 1 đặt câu hỏi: Tại sao lại có những người sống tối giản? Từ đó nhận định về ý niệm tự do khi sở hữu vật chất: Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Bởi giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản. Đọc đến đây tôi nhớ có lần đi công tác với đoàn ra phía Bắc vào mùa đông, đợt công tác đi về chỉ 6 ngày, nhưng chao ôi quý cô có người mang theo đến 2, 3 túi xách áo quần, hết sức vất vả khi đưa hàng lên toa hành lý máy bay cũng như lúc xuống nhận hàng của mình ở dây chuyền trả hành lý, còn phải trả một khoảng tiền cước vận chuyển hàng không khi vượt quá mức quy định. Nhưng thực tế có nhiều bộ quý cô mang theo đâu có dùng đến, chỉ tranh thủ dùng đôi bộ để chụp ảnh post lên facebook. Cũng trong chương 1 này, nhà văn Sasaki Fumio tự thuật về việc làm của bản thân cũng như văn hóa sống tối giản của người Nhật và liên hệ đến việc sản xuất của nền công nghệ tiên tiến, như công ty Apple của Mỹ, họ cải tiến thiết kế sản phẩm điện tử hiện đại để phục vụ cho lối sống tối giản, như chiếc iPhone chỉ có duy nhất một nốt bấm, cũng như trên chiếc Mac không có đầu dây nối hoặc dây cáp thừa nào cả. Chương 2: Đặt vấn đề tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy? Tác giả giải thích từ ham muốn sở hữu cái mới, dẫn đến tác hại của thói quen, thích thú mua sắm những món đồ dùng để thể hiện giá trị của bản thân, nhưng thế nào là giá trị bản thân được tác giả lý giải khá lý thú. Chương 3 là chương tác giả tập trung nhất vấn đề muốn đặt ra cho cuốn sách Lối sống tối giản, đó là 55 quy tắc vứt bỏ, đơn cử 3 quy tắc đầu: 1) Trước hết “vứt bỏ” suy nghĩ “không bỏ được”; 2) Vứt bỏ là một kỹ thuật; 3) Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi” mà là mình đang “được lợi”… Hay 3 quy tắc cuối như: 53) Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm; 54) Lãng phí thực ra chỉ là cảm giác của chính bạn; 55) Vứt đi chính là nhớ mãi. Còn chương 4: Tác giả nói về mình: Vứt bớt đồ đạc. 12 điều thay đổi trong tôi. Và chương 5: Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc.

Tìm hiểu Lối sống tối giản của Sasaki Fumio rút ra được bài học hết sức thiết thực cho cuộc sống. Ngay cả trong mối quan hệ bạn bè thân thiết cũng cần sống tối giản là điều thật tuyệt. Nếu bạn có nhiều bạn bè cũng có nghĩa là bạn có nhiều mối quan hệ, nhưng bạn chẳng hết mình với những người bạn đó được. Và cuối cùng bạn nhận được cũng chỉ hời hợt như cái bạn cho đi mà thôi.

Hiện nay nhiều bạn trẻ người Nhật đang áp dụng lối sống tối giản và thực sự có hiệu quả với họ trong cuộc sống mà giá trị của con người đang bị đánh đồng với vật chất. Xã hội văn minh càng phát sinh nhiều thứ, với công nghệ thông tin marketing và quảng cáo nó cuốn con người vào vòng quay cuộc sống, đẩy ta làm những việc lãng phí, mua sắm những đồ không cần thiết. Vì thế cuốn Lối sống tối giản của Sasaki Fumio ra đời có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó tác động đánh thức chúng ta nhìn nhận lại đâu mới là giá trị bản thân, mới là cuộc sống có ý nghĩa.

(*) Bản tiếng Việt do NXB Lao động – Cty Cổ phần sách Thái Hà, Hà Nội in ấn phát hành năm 2018.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề
Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh xác định 1 trong 3 khâu đột phá đó là: Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện đột phá quan trọng này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Lao động sẽ tập trung vào nhiều giải pháp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lối sống tối giản