Coi trọng chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long

21/12/2022, 05:33

Việc phát triển chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận để giữ gìn thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước sau đại dịch Covid-19; nhất là trái cây lợi thế này đang được xuất khẩu gần 20 thị trường ở nước ngoài. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) để rõ hơn phát triển chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng này.

Thưa bà, hiện nay, tình trạng một số trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm dán tem chỉ dẫn địa lý (CDĐL) trên trái thanh long khi xuất khẩu. Còn khá nhiều cơ sở chưa đăng ký gia hạn CDĐL cho mặt hàng lợi thế này, Sở KH & CN đang xúc tiến các giải pháp gì để vận động các tổ chức, cá nhân trong tỉnh phát huy giá trị về CDĐL thanh long Bình Thuận?

Bà Mai Thanh Nga: Nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa CDĐL chưa cao; chưa thấy được lợi ích lâu dài của CDĐL, giá của sản phẩm mang và không mang CDĐL như nhau. Còn nhiều cơ sở không quan tâm đến việc sử dụng tem CDĐL trong tiêu thụ nội địa. Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trái thanh long mang CDĐL cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh, cũng có một số sản phẩm xuất khẩu do các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem CDĐL (trên sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm), số lượng các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu ít nên số lượng doanh nghiệp, các cá nhân sử dụng CDĐL không nhiều. Đặc biệt, còn tình trạng nhầm lẫn về mã số vùng trồng và thương hiệu… Trong năm tới, Sở KH & CN sẽ phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long; việc cấp phát, sử dụng tem CDĐL nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín thương hiệu “thanh long Bình Thuận”. Sở cũng sẽ phối hợp các tỉnh có vùng sản xuất thanh long kiểm soát việc sử dụng tem, dấu hiệu CDĐL Bình Thuận để bảo vệ quyền sử dụng cho doanh nghiệp và các nhà sản xuất tại Bình Thuận.

p1050413.jpg
 Sử dụng tem chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long Bình Thuận

Bà có đề cập còn tình trạng nhầm lẫn về mã số vùng trồng và thương hiệu. Vấn đề này nhiều người trồng thanh long đang kiến nghị tỉnh cấp mã số vùng trồng (hiện đã có CDĐL trái thanh long), mở rộng tiêu thụ tại nhiều thị trường khác nhau. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Bà Mai Thanh Nga: Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã được cấp 574 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu sang các nước (xuất khẩu sang Hoa Kỳ: 69 mã, Hàn Quốc 125 mã, New Zealand: 147 mã, Nhật Bản: 3 mã, Trung Quốc 83 mã). Cùng với đó 287 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các nước (274 mã xuất khẩu Trung Quốc; 13 mã xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, New Zealand. Như vậy, thanh long Bình Thuận không chỉ được cấp mã số xuất khẩu đi Trung Quốc mà đã có mã số xuất khẩu sang các thị trường khác theo yêu cầu của 5 nước nhập khẩu là Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, New Zealand. Tuy nhiên, để xuất khẩu được trái thanh long sang các thị trường nêu trên, ngoài yêu cầu phải có mã số vùng trồng thì chất lượng trái thanh long phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của từng nước nhập khẩu và của khách hàng.

img_5406.jpg
 Phát triển chỉ dẫn địa lý cho trang trại trồng thanh long trong tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ

Thưa bà, thanh long Bình Thuận được cấp phép đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản đã hơn năm nay, nhưng xuất qua đất nước Mặt trời mọc vẫn còn hạn chế. Bà có thể cho biết thêm giải pháp của sở để cùng các ngành liên quan hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu thanh long?

Bà Mai Thanh Nga: Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tập huấn tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX, trang trại thanh long về cách sử dụng CDĐL, các quy định của Nhật Bản, quy chế, quy trình sản xuất thanh long được công bố; cũng như CDĐL nước mắm Phan Thiết vào các nước khác. Các đơn vị sẽ nắm bắt để thực hiện trồng, xuất khẩu thanh long sang Nhật và các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…). Thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua Nhật có gắn CDĐL nên các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh khi xuất khẩu qua thị trường này cần gắn CDĐL trên trái và thùng. Gần đây, thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ tại thị trường Nhật Bản. Trước đó loại trái cây lợi thế này đã được xuất khẩu 20 thị trường các nước EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Tuy nhiên, các thị trường này thường khó tính, yêu cầu xuất khẩu nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng chặt chẽ. Do vậy, các cơ sở xuất khẩu thanh long phải đáp ứng được các quy định và yêu cầu riêng của nước nhập khẩu. Trước tiên, các trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), gắn đăng ký CDĐL, mã số vùng trồng để đảm bảo chất lượng thanh long, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Cùng đó các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu trái thanh long qua tham gia hội chợ thương mại trong, ngoài nước.

img_3792.jpg
Thanh long đỏ trong siêu thị ở New Zealand 

Xin cảm ơn bà!

THÁI KHOA

Related articles
Quan tâm đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước
Chỉ tiêu nước sạch nông thôn trong Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện miền núi Đức Linh gặp khó khăn...

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coi trọng chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long