Gỡ “nút thắt” trong sản xuất, tiêu thụ thanh long

07/12/2022, 04:59

Vài năm trở lại đây, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do giá bán nông sản thấp. Trong khi đó giá vật tư đầu vào tăng cao, khiến nhiều hộ dân không có khả năng tái đầu tư, chăm sóc, buộc phá bỏ chuyển cây trồng khác. Đơn cử huyện Hàm Thuận Bắc - địa phương có diện tích lớn thứ 2 tại Bình Thuận đang là một thực tế cần nhìn nhận, tìm cách tháo gỡ.

Khó khăn chung từ thị trường

Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 ha thanh long. Riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, tổng diện tích thanh long đã trồng từ trước đến nay trên địa bàn huyện hơn 9.364 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này số diện tích đang còn sản xuất chỉ còn khoảng 5.811 ha, giảm trên 3.553 ha. Đây là diện tích bỏ không sản xuất hoặc nhổ trụ chuyển đổi sang cây trồng khác. Một trong số các ý kiến của cử tri xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc tại buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến vào cuối tháng 11 vừa qua nhấn mạnh đến việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp khó khăn. Bà con kiến nghị các cấp ngành cần có hướng dẫn để nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đảm bảo đời sống… Đó là thực tế diễn ra không chỉ riêng địa bàn Hàm Thuận Bắc, mà là nỗi lòng chung của nông dân trồng thanh long toàn tỉnh, đang cần được tháo gỡ.

thanh-long.jpg
Sản xuất thanh long tại Hàm Thuận Bắc

Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, hiện nay trên địa bàn huyện còn 7.899 hộ trồng thanh long/30.671 hộ nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 26%. Đặc biệt, diện tích thanh long giảm, kéo theo diện tích được chứng nhận VietGAP trước đây giảm theo. Diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện tính đến tháng 10/2022 hơn 2.427 ha, chiếm 41,77%. Vướng mắc hiện nay là việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ, nhóm VietGAP trong thời gian qua bị gián đoạn, nhiều tổ, nhóm không còn duy trì hoạt động, hồ sơ thất lạc... dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch tái chứng nhận thanh long VietGAP. Đáng nói, hiện trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc dường như chưa có doanh nghiệp lớn nào sản xuất và xuất khẩu thanh long, chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Đây là thực tế khiến việc liên kết theo chuỗi giá trị bị ảnh hưởng, khó nhân rộng…

z3918126661753_df089adba370025aa89133d0e246de07.jpg
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh- ông Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội thảo

Cùng bắt tay tháo gỡ “nút thắt”

Cuối tháng 11/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì một hội thảo về sản xuất và phát triển bền vững trái thanh long với huyện Hàm Thuận Bắc. Mục tiêu nhằm xem xét các vướng mắc, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sản xuất, tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện. Tại hội thảo, một số chuyên gia, nhà khoa học đã nhấn mạnh vai trò kết nối đồng hành của các chuyên gia, cấp, ngành, đơn vị chuyên môn để xây dựng vị thế của thanh long, mấu chốt vẫn là vấn đề tiêu thụ. Thực tế những năm gần đây, tiêu thụ thanh long gặp khó khăn về giá cả, cho thấy việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa được tập trung. Vì vậy, phải có tư duy xây dựng hệ sinh thái bền vững mới xây dựng được thị trường.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng bày tỏ sự cần thiết ủng hộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương để xây dựng đề án tổng thể về sản xuất thanh long. Ngoài ra cần rà soát, thúc đẩy sản xuất thanh long VietGAP, vì đây là nền tảng để tổ chức sản xuất. Song song, tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng nhà kho, kho lạnh bảo quản thanh long, định hướng lại sản xuất, tiêu thụ. Chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn thiết lập mã số vùng trồng để phát triển thanh long bền vững. Dẫn dắt vấn đề tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến mong muốn nông dân và ngành nông nghiệp Bình Thuận duy trì sản xuất thanh long sạch cho thị trường. Trước hết, thiết kế chuỗi đặt hàng thanh long sạch ở một số thị trường trong nước. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát sản xuất. Phải có sự vào cuộc của tổ chức trung gian, kết nối nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ, bởi đây là xu hướng rất tiến bộ.

Cùng chung quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - ông Nguyễn Hữu Thông cho rằng, Bình Thuận vẫn khẳng định thanh long là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua. Về giải pháp sản xuất và tiêu thụ thanh long bền vững, cần xác định thị trường là cơ bản nhất. Trong đó nhấn mạnh từ nhận thức tới hành động là một quá trình. Vấn đề đặt ra là cách phân bổ thị trường như thế nào? Các sở ngành, địa phương cần đồng hành với người dân thay đổi nhận thức về hợp tác xã…

Từ “nút thắt” hiện tại, buộc người dân phải thích ứng với xu thế tất yếu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Nhất là đáp ứng quy định kỹ thuật, đảm bảo an toàn, chất lượng lên hàng đầu. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ thanh long thời gian tới.

K.HẰNG

Related articles
Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường"
BTO- Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, về việc cho phép HTX thanh long Phú Cường sử dụng tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường” và xác nhận bản đồ địa lý khu vực xã Hàm Cường để lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thanh long – Dưa lưới Hàm Cường”.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ “nút thắt” trong sản xuất, tiêu thụ thanh long