Nỗi niềm của chấp hành viên thi hành án dân sự

16/11/2022, 05:35

Họ là người bắt tay vào công việc khi bản án đã được tòa án tuyên. Trong đó, có những việc thuận lợi với đương sự tự nguyện thi hành, nhưng cũng có những vụ việc “khó nhằn” với những rủi ro, nguy hiểm cao.

dsc00051.jpg
Chấp hành viên Cục thi hành án đang thi hành một vụ việc.

Rủi ro rình rập

Luật Thi hành án dân sự nêu rõ, chấp hành viên (CHV) là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của luật. Theo đó, toàn ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh có 129 biên chế, trong đó có 52 CHV. Công việc của họ được thực hiện khi bản án đã tuyên nên thường động chạm tới quyền lợi, tài sản của công dân. Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc vận dụng kiến thức pháp luật, chấp hành theo bản án, CHV còn phải có lòng kiên nhẫn để xử lý tình huống cho phù hợp, đem lại hiệu quả.

dsc00507.jpg
Một trong những vụ việc chấp hành viên thi hành

Bà Cao Thị Diệu Huyền – Phó Phòng nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự và đồng nghiệp của bà chia sẻ: Trình độ dân trí và kiến thức pháp luật của người dân không đồng đều. Vì vậy, việc thực hiện công tác THADS luôn hết sức khó khăn. Có những vụ CHV phải làm việc rất nhiều lần, vì đương sự cố tìm mọi cách “lẩn trốn” thi hành án.

“Nhiều vụ tưởng dễ thi hành, nhưng lại không dễ, có những vụ khó thi hành thì lại dễ. Phải có sự kiên nhẫn và thủ thuật thuyết phục mới đem lại hiệu quả cao. Muốn vậy CHV phải có kinh nghiệm và vững kiến thức pháp luật”. Bà Huyền nói và nêu dẫn chứng điển hình: “8 anh em tranh chấp tài sản - ngôi nhà tự, cha mẹ để lại. Trong đó hết 7 người muốn bán tài sản này đi để chia đều, nhưng một người trong số đó không chịu, với lý do giữ lại để làm kỷ niệm hoặc làm nơi hương hỏa ông bà, cha mẹ. Họ đưa nhau ra tòa án phân xử, theo quy định, tài sản của cha mẹ để lại phải chia đều... Vụ việc kéo dài qua nhiều năm không giải quyết, khi tiếp nhận vụ này tôi phát hiện người không chịu bán ngôi nhà (người phải thi hành án) có một miếng đất rẫy diện tích lớn. Tôi phân tích và thuyết phục họ bán một phần đất rẫy lấy tiền trả cho 7 anh em, thay vì phải bán ngôi nhà. Cuối cùng gia đình chấp nhận bán một phần rẫy. Vụ việc thực ra rất dễ, nhưng lại khó nếu CHV cứ tập trung vào việc bán tài sản tranh chấp, không linh hoạt tìm ra cách giải quyết...” - bà Cao Thị Diệu Huyền nói.

Đó là những vụ việc mà đương sự gồm: người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biết lắng nghe CHV giải thích, còn những vụ đương sự không chịu nghe giải thích thì rất khổ. Những đương sự này thường có những hành động, cử chỉ, lời nói thiếu tế nhị... nên CHV kiên trì thuyết phục mặc dù tổn thương về tinh thần, thậm chí thân thể bị đương sự tấn công trong lúc nóng giận. “Ngoài người phải thi hành án (bên thua kiện) không muốn giao tài sản, gây áp lực cho CHV thì có cả những người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nói chung khi thi hành vụ việc, CHV luôn trong tâm trạng sẵn sàng đối phó với những rủi ro có thể xảy ra, vì đụng chạm đến quyền lợi thường phức tạp và gặp nhiều rắc rối...”, bà Huyền nói.

Mong có cơ chế bảo vệ

Để tổ chức thi hành xong bản án, CHV phải tốn nhiều thời gian, công sức và cả quá trình lao động nghiêm túc. Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, năm 2022 tổng số việc phải thi hành là 16.476 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 12.468 việc; số chưa có điều kiện là 4.008 việc. Chủ yếu là án hành chính, nội dung các vụ việc khá phức tạp vì liên quan đến đất đai như: Thu hồi, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành...

Tuy vậy, cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo vệ CHV bị những hành vi xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của CHV, nhất là những hành vi cố ý khiếu nại, tố cáo sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở, kéo dài việc tổ chức thi hành án chưa được quan tâm đúng mức. “Nhiều khi cũng thấy buồn vì công việc này rất nguy hiểm, nhưng không có cơ chế pháp lý nào bảo vệ chúng tôi. Vì vậy, nhiều anh em CHV luôn mong bộ, ngành quan tâm hơn nữa”, bà Cao Thị Diệu Huyền chia sẻ.

NINH CHINH

Related articles
NGHỊ QUYẾT
Về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh
Bãi bỏ toàn bộ Nghị quyết số 93/2015/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm của chấp hành viên thi hành án dân sự