Lưỡng quốc Trạng nguyên

28/10/2022, 07:36

Thi cử chọn người tài giỏi giúp nước là chuyện mọi thời. Nhưng tổ chức thi và tuyển chọn như thế nào là cả vấn đề hệ trọng đối với quốc gia. Tìm về lịch sử thi cử, khoa thi để lại trong tôi rất ấn tượng là Khoa thi Đình đầu tiên của hoàng triều Lê, năm Nhâm Tuất (1442 – cách nay 580 năm), mà người trực tiếp ra đề và chấm bài tuyển chọn hiền tài là vua Lê Thái Tông.

Đề nêu vài nét về tình hình sử dụng nhân tài và kết lại cho thí sinh làm bài: Đức Thái tổ(1) Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy? Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét.

trang-nguyen.png
Lưỡng quốc trạng nguyên vinh quy bái tổ. Ảnh minh họa.

Yêu cầu chính đề thi như vậy, khi chấm bài để phân hạng tiến sĩ, người đỗ đầu được phong danh hiệu Trạng nguyên là Nguyễn Trực (1417 – 1473). Toàn văn bài thi của Nguyễn Trực được chép trong “Bối Khê Trạng nguyên đình đối sách văn”, Hoàng Hưng dịch ra chữ Quốc ngữ(2) khoảng 4 trang rưỡi giấy A4. Cách trình bày nội dung bài viết tuy thể hiện sự tôn kính đối với nhà vua: “Thần là kẻ ngu muội, đâu dám xét bàn trước bề trên, nhưng đã thẹn vâng chiếu sáng, dám đâu không trung thực phơi bày để đáp lại mệnh lớn của thiên tử”. Nhưng thí sinh mới 25 tuổi này – Nguyễn Trực, dám thẳng thắn viết bài nói về quốc gia đại sự trực tiếp với vua: “Xưa nay, bậc thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau, nhưng tấm lòng của họ, trước sau vẫn là một. Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc thánh nhân trị nước. Còn như người quân tử bị lui bỏ, mà kẻ tiểu nhân được tiến cử thì đâu phải là nguyện vọng của Thánh nhân”. Rồi nêu lên quan điểm cốt lõi: “Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu”.

Từ đó bàn đến việc dùng người: “Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyển tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được”.

“Bệ hạ(3) muốn học Thái tổ hãy tưởng nhớ quy mô sáng nghiệp truyền dòng, phép tắc cầu hiền dùng người. Như vậy thì quân tử tiến và tiểu nhân lùi vậy.

Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường đặt vua vào chỗ không lầm lỗi”. “Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên”. Thí sinh đề xuất: “Thần xin bệ hạ hãy đích thân tiến cử hiền thần để bố trí ở quanh mình”. “Được như vậy thì chốn dân dã không sót nhân tài mà muôn cõi yên ổn, bản thân mình được hưởng mệnh trời mà triệu dân sinh sôi, cùng sớm tối nghe lời khuyên can để giúp đức dân, kinh dinh bốn phương để giữ yên đất nước. Như thế thì lo gì quân tử không được tiến cử, tiểu nhân không bị đẩy lùi”.

Ông nói như khuyên bảo nhà vua: “Hãy nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người; không có Nhân thì không thể chọn người; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng yêu, ghét chính đáng”.

Thời quân chủ lỡ viết hớ một từ có khi bị chém bay đầu, đường này Nguyễn Trực thể hiện thái độ hết sức thẳng thắn, lời lẽ như khuyên bảo, thế mà đổ đầu khoa, không những được nhà vua ban danh hiệu Trạng nguyên mà còn bổ nhiệm giữ những trọng trách trong triều, mới thấy tấm lòng chân thật quý trọng hiền tài của đức vua.

Tương truyền, năm 1457, Nguyễn Trực được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi ấy gặp lúc nhà Minh tổ chức thi Đình, Nguyễn Trực tham gia thi đã đỗ đầu và được ban danh hiệu Trạng nguyên. Vậy nên gọi ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”(4). Người viết không bình luận gì thêm về chuyện thi cử chọn nhân tài.

(1): Vua Lê Lợi; (2): Bản dịch Bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Nguyễn Trực đăng trên Văn nghệ Xứ Đoài – vannghesontay.com/en/news; (3): Bệ hạ: Vua Lê Thái Tông; (4): Theo vi.wikipe dia.org

VÕ NGUYÊN

Related articles
Tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Đối với trẻ em, internet và mạng xã hội cũng đem lại nhiều tiện ích trong quá trình học tập, tìm kiếm tài liệu, giao lưu bạn bè. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khiến trẻ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, phát triển tư duy, đạo đức nếu gia đình, nhà trường không theo sát, điều chỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưỡng quốc Trạng nguyên