Sơ kết 2 năm thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non

20/10/2022, 16:39

Sáng nay 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN).Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và đại diện các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập.

Tính đến hết tháng 9/2022 có 55 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết HĐND quy định chi tiết chính sách đối với GDMN của tỉnh/thành phố. Trong đó có 40 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết HĐND về chính sách đối với trẻ em con công nhân và giáo viên mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; 34 tỉnh ban hành nghị quyết HĐND quy định danh mục các khoản thu, mức thu dịch vụ GDMN ngoài học phí phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản với các nhóm chính sách theo quy định tại Nghị định số 105 và có mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách.
Qua 2 năm thực hiện Nghị định số 105, cơ sở vật chất tại các cơ sở GDMN ở các địa phương được cải thiện đáng kể, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học hằng năm tiếp tục được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường. Đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn so với những năm trước đây. Cùng với đó, chính sách đối với cơ sở GDMN, chính sách đối với trẻ em mầm non, chính sách đối với giáo viên mầm non được các địa phương quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan.
Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương tham luận, kiến nghị, đề xuất về công tác đầu tư, quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong GDMN và hình thức đối tác công tư trong đầu tư phát triển GDMN; những kinh nghiệm trong tham mưu ban hành chính sách địa phương. Bên cạnh đó là chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp đông lao động; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ GDMN không sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với GDMN vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số…
Tại Bình Thuận, đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 181 trường, trong đó: 142 trường công lập, 39 trường ngoài công lập và 338 cơ sở độc lập tư thục. Toàn tỉnh có 459 cán bộ quản lý (CBQL), 4.382 GVMN. Đội ngũ CBQL, GVMN cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Đa số giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay. Hiện Sở GD&ĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thực hiện chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 105. Phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố đã tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho trẻ em và GVMN theo quy định. Đồng thời, đã triển khai thực hiện chi trả chế độ chính sách cho trẻ em và GVMN.

575ad7e5-04da-4ec1-9f8c-4542c52aad17.jpeg
Tại điểm cầu Bình Thuận

THANH THUỶ

Related articles
Công đoàn ngành Giáo dục:
Tổ chức chuyên đề kỷ niệm ngày 20/10
BTO- Sáng 20/10, Công đoàn ngành Giáo dục (CĐGD) tỉnh đã tổ chức chuyên đề kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022) . Dự hội nghị có đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh; lãnh đạo các trường THPT trong tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận; chủ tịch, phó chủ tịch, ban nữ công các công đoàn cơ sở trực thuộc ngành giáo dục…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơ kết 2 năm thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non