Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng kè biển tỉnh Bình Thuận”

30/09/2022, 15:33

BTO-Sáng nay (30/9) Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo “Một số giải pháp xây dựng kè biển tỉnh Bình Thuận”.

Tại hội thảo, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh đã báo cáo tình hình sạt lở, xây dựng kè biển tỉnh Bình Thuận. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, bờ biển Bình Thuận bị sạt lở khoảng 23/192 km, có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ gần 100 mét. Đặc biệt, khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, so với đường bờ năm 2006, biển xâm thực từ 20m - 50m. Sạt lở bờ biển chủ yếu xảy ra ở huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi. Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở xung yếu hiện nay khoảng 23 km, trong đó Tuy Phong 6,5km, Phan Thiết 10,6km, Hàm Thuận Nam 1,2km, thị xã La Gi 4,7km.

Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 24 km kè biển, (riêng Phú Quý 5.064m) và hơn 5km kè tạm. Theo Quy hoạch Công trình chống xói lở bờ biển Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2020, xây dựng 57 dự án kè biển và trồng rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc thực hiện Quy hoạch còn hạn chế, từ 2011 đến nay chỉ đầu tư 12 dự án kè kiên cố (11,47 km/85,67km). Kế hoạch giai đoạn 2022- 2025 tiếp tục thi công 5 dự án kè và tiếp tục xin vốn đầu tư các dự án kè biển khác. Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi còn giới thiệu mô hình đầu tư kè biển tạm bằng ống cát Geotube khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.

dsc_0239.jpg
Buổi hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành

Các đại biểu tại hội thảo cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề như dự báo thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới ngày một nhiều và cường độ mạnh hơn đã làm tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, các đại biểu còn nhấn mạnh một số khó khăn trong việc xây kè hiện nay như khó đánh giá hiệu quả bồi, xói khi sử dụng giải pháp kè mỏ hàn hoặc đê giảm sóng. Chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn về kè mềm bằng vải địa kỹ thuật, vật liệu đá tự nhiên làm kè có kích thước lớn.

Việc ứng dụng công nghệ mới (bê tông cốt phi kim, beam breakwaters…) còn hạn chế. Ngoài ra, vốn đầu tư xây kè lớn 7-8 tỷ/100m kè phải hỗ trợ vốn từ Trung ương, ngân sách tỉnh chỉ làm kè tạm rọ đá hoặc đá đổ 1,5 tỷ/100m kè. Các kè bờ đã đầu tư có dấu hiệu hư hỏng sau 10 – 20 năm…

dsc_0245.jpg

Tại hội thảo, Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam cũng giới thiệu một số giải pháp xây dựng các công trình kè biển tại nhiều tỉnh, thành khác. Qua đó phân tích ưu và nhược, các kỹ thuật tiên tiến, giải pháp hữu ích trong việc xây kè biển. Đồng thời, hướng đến mục đích việc xây dựng kè biển giai đoạn tới sẽ bền bỉ hơn, tạo mỹ quan và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

MINH VÂN

Related articles
Cần hỗ trợ vốn để sửa chữa, nâng cấp hồ chứa, kè biển
BT- Những năm qua, Bình Thuận là địa phương luôn phải hứng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hậu quả, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và các công trình hạ tầng xây dựng, các cơ sở du lịch trên địa bàn. Do đó, nhu cầu vốn để sửa chữa, nâng cấp an toàn đập, hồ chứa nước và xây dựng kè bảo vệ bờ biển rất bức thiết.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội thảo “Một số giải pháp xây dựng kè biển tỉnh Bình Thuận”