Hiệu quả phương thức hỗ trợ phụ nữ

27/09/2022, 05:38

Thiếu vốn là một trong những khó khăn, trở ngại đầu tiên đối với phụ nữ trong phát triển kinh tế và phương thức hỗ trợ như thế nào để sớm phát huy hiệu quả?

Trong các phong trào của Hội LHPN tỉnh, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội cơ sở khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm nhu cầu vốn của hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng. Trong những giải pháp hỗ trợ, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là kênh quan trọng, là điều kiện giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, thoát nghèo.

Nhiều phụ nữ vượt khó vươn lên nhờ "trợ lực" từ các nguồn vốn.

Các cấp Hội LHPN tìm hiểu nguyên nhân khó khăn của chị em phụ nữ và tìm cách hỗ trợ họ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Những phụ nữ nghèo họ thiếu thốn về nhiều chiều (hộ nghèo đa chiều) như: chiều về kinh tế và thiếu cập nhật kiến thức việc làm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhờ vốn chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất ưu đãi kịp thời đưa đến cho phụ nữ nghèo, động viên tinh thần chị em vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ đã phát huy được thế mạnh của mình, sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, tiếp theo làm sao giúp chị em phát huy hiệu quả đồng vốn. Các cấp Hội LHPN phối hợp với các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội… mở các lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, đào tạo việc làm nhằm giúp các chị sử dụng đồng vốn vay hiệu quả tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đơn cử là Hội LHPN Phan Thiết, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn nâng cao kiến thức trong sản xuất, trồng trọt… giúp hội viên phụ nữ luôn đạt kết quả cao. Trong những năm qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Phòng Kinh tế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở 183 lớp tập huấn cho 7.181 hội viên phụ nữ ở 18 xã, phường toàn thành phố tham gia với nhiều ngành nghề như: lớp dạy thêu, dạy đan lát lục bình, bẹ chuối, các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nước mắm, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP... Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã có 1.260 hộ toàn thành phố đã thoát nghèo, trong đó có 200 hộ thoát nghèo bền vững.

Không chỉ giúp các chị tiếp cận vốn, các hội viên phụ nữ ở thành phố Phan Thiết còn được tuyên truyền để phát huy nguồn vốn nội lực bằng việc thành lập hơn 40 tổ tiết kiệm với 873 chị và 122 tổ góp vốn xoay vòng với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng. Số tiền góp vốn hàng tháng từ 500.000 - 3 triệu đồng đã giúp 2.163 chị vay với số tiền 8,2 tỷ đồng để buôn bán nhỏ, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi… hạn chế việc vay nặng lãi.

Hội LHPN là đơn vị nhận ủy thác cao nhất trong 4 tổ chức Hội đoàn thể với dư nợ là 1.413 tỷ đồng, giúp 41.082 hộ vay/893 tổ tiết kiệm và vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất, quản lý nhiều tổ vay vốn chất lượng cao… Đặc biệt, trong đợt phát động “Ngày gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” năm 2022 các cấp Hội đã vận động tiết kiệm với số tiền trên 25 tỷ đồng.

T.DUYÊN

Related articles
Các cấp Hội phụ nữ đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện Đề án 939 và 938
BTO - Đây là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh tại hội nghị sơ kết 4 năm (2018 - 2021) triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025 (Đề án 939), vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả phương thức hỗ trợ phụ nữ