Át chủ bài trong hệ thống tác chiến tầm xa của không quân Nga tại Ukraine

16/09/2022, 10:08

Su-30 và Su-35, hai trong số các dòng máy bay chiến đấu đa năng hiện đại nhất của Nga đã dẫn đầu cuộc không chiến của Nga tại Ukraine.

Cả hai đều có chung nguồn gốc từ chiến đấu cơ Su-27 Flanker mạnh mẽ và đầy uy lực của Liên Xô, ra đời vào giữa những năm 1980.

Các máy bay chiến đấu Flanker thế hệ 4 ++ của Nga, chẳng hạn như Sukhoi Su-30SM và Su-35S đã chiến đấu với các tiêm kích Mig-29 và Su-27 của Không quân Ukraine để giành ưu thế trên không. Các chiến đấu cơ này cùng với máy bay cường kích Su-34 đã đóng vai trò mũi nhọn của chiến dịch trấn áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD). Chúng cũng thực hiện nhiệm vụ tấn công bệ phóng tên lửa dẫn đường tầm xa và bom không điều khiển.

Lực lượng Không quân Nga (VKS) đang tiếp nhận những chiếc cuối cùng trong tổng số 128 chiến Su-35 đã được đặt mua. Hầu hết số tiêm kích này đang được triển khai cho chiến trường Ukraine. Các đơn vị không quân vận hành Su-35 được điều động tới Ukraine gồm Trung đoàn tiêm kích 159, Trung đoàn tiêm kích 790 và Trung đoàn tiêm kích 23.

Kho Su-35 của Nga có thể được củng cố hơn nữa nếu bổ sung thêm 20 tiêm kích Su-35 mà nước này chế tạo cho Ai Cập nhưng chưa được chuyển giao. Tuy nhiên, một số tuyên bố gần đây cho thấy Nga có thể bán hoặc trao đổi chúng với Iran để lấy các máy bay không người lái hiện đại của Iran.

Su-30SM hai chỗ ngồi (Flanker-H) là chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Nga và là một biến thể cải tiến của tiêm kích Su-30MKI do Sukhoi sản xuất. Nó là con át chủ bài trong hệ thống tác chiến tầm xa của Không quân Nga. Tiêm kích Su-30SM có vận tốc tối đa là 2.100 km/h, tầm bay 3.000 km. Về tải trọng vũ khí, có thể mang được tối đa 8 tấn bom đạn các loại. 

Là một chiếc tiêm kích đa dụng, ngoài khả năng cơ động và không chiến linh hoạt, Su-30SM còn có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền và trên biển, cũng có thể thực hiện các sứ mệnh chống tác chiến điện tử và cảnh báo sớm. Điểm khác biệt của Su-30SM so với các chiến đấu cơ cùng dòng khác là được lắp thêm 2 cánh mũi, sử dụng động cơ soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP, giúp tăng cường khả năng cơ động. Sĩ quan phụ trách hệ thống vũ khí ở hàng ghế sau của Flanker-H có thể giúp quản lý vũ khí và cảm biến, hỗ trợ cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Trước cuộc xung đột với Ukraine, Không quân Nga đã sở hữu 91 chiếc Su-30SM và 24 chiếc Su-27SM3. Lực lượng hàng không của Hải quân Nga cũng có 22 chiếc Su-30SM và đã tiếp nhận ít nhất 4 chiếc Su-30SM2 'Super Sukhois', được thiết kế để có thể “hợp nhất” động cơ, hệ thống điện tử hàng không và radar với Su-35S.

Không quân Nga cũng có một phi đội gồm các chiến đấu cơ Su-27SM3 có tuổi đời lâu hơn nhưng đang được nâng cấp, chủ yếu đảm nhận vai trò phòng thủ.

Tại bán đảo Crimea, Hải quân Nga có 1 phi đội gồm 19 máy bay Su-30M2, được phát triển dựa trên phiên bản xuất khẩu của cường kích Su-30MK2 hai chỗ ngồi, nhưng không tinh vi và hiện đại như Su-30SM, chủ yếu dùng cho hoạt động huấn luyện. Ngoài ra, lực lượng này còn có chiến đấu cơ Su-33 chủ yếu hoạt động trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Tuy nhiên, cả Su-30M2 và Su-33 đều chưa thấy hoạt động trên chiến trường Ukraine.

Hoạt động tích cực của Su-35 và Su-30 trên chiến trường

Trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, các chiến đấu cơ Flanker của Nga đã tham gia nhiều cuộc chiến trên không trên bầu trời Kiev và các căn cứ không quân của Ukraine ở khu vực Zhytomyr gần đó. Nhiều nguồn tin của Ukraine xác nhận, Kiev đã mất 5 chiếc MiG-29 và 1 máy bay huấn luyện quân sự 2 chỗ ngồi L-39LG. Ngoài ra, một chiếc Su-27 của Ukraine cũng bị tên lửa phóng từ hệ thống S-400 của Nga bắn hạ.

Tại Ukraine, chiến đấu cơ Su-30SM của Nga đảm nhận nhiệm vụ hộ tống cường kích còn Su-35 thực hiện các cuộc tuần tra. Tuy vậy, kể từ tháng 3, có ít báo cáo về thiệt hại của cả 2 phía trong các cuộc không chiến hơn dù giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Điều này cho thấy các bên ngày càng tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ các phi đội máy bay để tránh hao tổn quá nhiều nguồn lực.

Do được tích hợp hệ thống radar hiện đại và tên lửa tầm xa, các chiến đấu cơ Flanker của Nga có ưu thế vượt trội so với máy máy chiến đấu của Ukraine trong cuộc chiến trên không. Tuy vậy, các phi công Nga dường như không muốn tiến quá sâu vào vùng không phận do Ukraine kiểm soát do lo ngại mối đe dọa từ hệ thống phòng không trên mặt đất.

Các máy bay Su-30SM và Su-35 đã tiến hành chiến dịch trấn áp phòng không của đối phương (SEAD) trên lãnh thổ Ukraine, chủ yếu sử dụng tên lửa Kh-31P và Kh-31PM được thiết kế để bám theo tín hiệu của radar đối phương cách xa từ 112km đến 250km.

Những tên lửa này có tốc độ nhanh gấp đôi so với tốc độ âm thanh nhờ sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), được thiết kế để săn lùng các hệ thống phòng không tầm trung Buk hoặc tầm xa S-300P mạnh mẽ của Ukraine. Ngoài 2 tên lửa trên, Su-35 cũng sử dụng tên lửa chống bức xạ Kh-58.

Su-30 và Su-35 được cho là khá hiệu quả khi thực hiện vai trò tấn công mặt đất, chủ yếu sử dụng tên lửa không đối đất tăng tầm Kh-59 có tầm bắn từ 200 đến 290km (tùy phiên bản). Khoảng cách này có thể nằm ngoài tầm với của hệ thống phòng không Ukraine./.

VOV.VN

Related articles
Pháp chi 45 tỷ euro đối phó khủng hoảng năng lượng
Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne ngày 14/9 đã công bố chính sách năng lượng mới với một loạt biện pháp tiêu tốn khoảng 45 tỷ euro với ngân sách nước này trong năm 2023 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Át chủ bài trong hệ thống tác chiến tầm xa của không quân Nga tại Ukraine