Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây

29/08/2022, 08:56

Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều đòn trừng phạt nhất thế giới, nhưng cũng mở ra cơ hội mới để Iran để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với một cường quốc lớn trên toàn cầu.

Nga và Iran đang tăng cường nỗ lực xây dựng các mối quan hệ thương mại và quân sự trong bối cảnh cả 2 nước đều phải đối mặt với sự cô lập và các đòn trừng phạt của phương Tây.

Tháng 7 vừa qua, Iran đã trở thành khách hàng mua lúa mì Nga lớn nhất thế giới. Đầu tháng 8, Nga đã phóng một vệ tinh của Iran vào không gian và đây là một thành công hiếm có đối với chương trình không gian của Tehran.

Tuần trước, quân đội Iran tổ chức các cuộc tập trận máy bay không người lái (UAV) với lực lượng Nga, trong bối cảnh Mỹ cảnh báo Moscow đang chuẩn bị nhận UAV của Tehran để sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trước năm 2022, mối quan hệ giữa Nga và Iran bị ảnh hưởng vì các chương trình nghị sự đối lập ở Syria, do những nghi ngờ lịch sử của Iran về sự can thiệp của nước ngoài và do vai trò lịch sử của Nga với tư cách là cường quốc thống trị ở Trung Á và Caucasus.

Tuy nhiên, các sự kiện liên tiếp diễn ra cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy Nga và Iran gắn kết lại với nhau.

Liên minh trong sự cô lập của phương Tây

Nga và Iran đều phải hứng chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây. Một liên minh Nga-Iran chặt chẽ hơn sẽ giúp cả 2 nước giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách tìm thị trường mới cho sản phẩm của mình đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự có thể giúp ích cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng như các hoạt động của Iran ở Trung Đông.

Mối quan hệ được củng cố hơn nữa sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran vào tháng 7 vừa qua. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Putin kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Trước đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thăm Moscow vào tháng 1, hai nước cam kết tăng cường kinh tế và hợp tác quân sự.

Ông Esfandyar Batmanghelidj, Giám đốc Điều hành của Bourse & Bazaar Foundation, một tổ chức tư vấn tập trung vào ngoại giao kinh tế, cho biết nếu thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, điều này có thể kích thích thêm đầu tư của Nga vào Iran.

Giới doanh nhân Iran cho biết, người Nga đã đổ xô đến Iran trong những tháng gần đây, thường để thảo luận về cách lách trừng phạt của phương Tây. Ngày nay, người ta thường nghe thấy tiếng Nga trong các cửa hàng và khách sạn của Tehran, vì Iran vẫn mở cửa cho du khách Nga.

Tại các khu chợ lớn ở thủ đô Tehran, số lượng khách hàng Nga đã tăng gấp đôi kể từ tháng 2. Trong hành lang của một khách sạn sang trọng ở Tehran, những người châu Âu duy nhất xuất hiện đều người Nga và họ tới đây để tham dự cuộc họp về kinh doanh với đối tác Iran. Các thỏa thuận đang được thảo luận bao gồm việc Iran bán quần áo cho Nga để thay thế các thương hiệu phương Tây, cung cấp phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất của Nga.

Hai bên cũng thảo luận về một hành lang xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ thông qua Iran và thiết lập một hệ thống ngân hàng hoàn toàn không chịu tác động vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hợp tác trên nhiều khía cạnh

Cả Nga và Iran đều rất cần các đối tác thương mại, mặc dù họ bị hạn chế về khả năng giúp đỡ lẫn nhau. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 6% trong năm 2022. Trong khi đó, GDP của Iran được dự báo tăng 3% trong năm nay nhưng nước này đang phải đối phó với lạm phát 50% và đồng nội tệ xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Mặc dù vậy, Iran có thể mang lại cho Nga kinh nghiệm lách trừng phạt của phương Tây trong khi Moscow có thể ưu tiên Tehran trong xuất khẩu nông sản.

Theo công ty tình báo dữ liệu Kpler, một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy quan hệ kinh tế giữa Moscow và Tehran ấm dần lên là Iran đã vượt Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành khách hàng mua lúa mì lớn nhất của Nga vào tháng 7.

Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran cũng đã ký một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng Gazprom PJSC của Nga để đầu tư 40 tỷ USD vào ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên của Iran.

Sự bùng nổ thương mại giữa Nga và Iran giống như một “cuộc hôn nhân” thuận lợi khi mà các thương nhân châu Âu đang né tránh các hợp đồng mới mua ngũ cốc Nga và các mặt hàng khác.

Bà Masha Belikova, nhà phân tích về ngũ cốc tại Fastmarkets ở London, cho biết: “Iran chỉ có thể mua lúa mì từ một số nguồn hạn chế. Khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt và gặp nhiều khó khăn trong các giao dịch thanh toán quốc tế. Iran là một trong số ít quốc gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị như vậy”.

Bên cạnh thương mại và ngũ cốc, Nga và Iran cũng đang tăng cường hợp tác quân sự. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vừa tổ chức cuộc diễn tập UAV quân sự với quân đội Nga tại căn cứ không quân ở Kashan, phía Nam Tehran.

Theo Nhà Trắng, Iran đã tiếp đón một phái đoàn Nga tại Kashan vào tháng 6 để giới thiệu các UAV tấn công do Tehran tự sản xuất. Mỹ cũng cáo buộc Iran có kế hoạch cung cấp cho Nga hàng trăm UAV để sử dụng ở Ukraine.

Tehran phủ nhận kế hoạch hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tướng Ali Balali, sĩ quan không quân hàng đầu của IRGC tuần trước cho biết, các cuộc tập trận UAV là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Cuộc diễn còn có sự tham gia của các đồng minh của Nga như Armenia và Belarus. Cuộc diễn tập UAV lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 nhưng thường được tổ chức ở các nước thuộc Liên Xô cũ chứ không phải Iran.

Vào ngày 9/8, Nga đã phóng vệ tinh của Iran từ một cơ sở mà nước này kiểm soát ở Kazakhstan. Iran cho biết vệ tinh này sẽ giúp tăng cường “năng lực quản lý và lập kế hoạch” trong nông nghiệp, tài nguyên nước, quản lý thiên tai hoặc giám sát biên giới.

Mỹ nghi ngờ vệ tinh này có thể được Tehran sử dụng để giúp Nga giám sát hoạt động chuyển quân của Ukraine.

Cơ hội của Iran

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhóm G7 đối với Nga đặt Moscow vào một tình huống quen thuộc với Iran. Kinh nghiệm lâu năm của Tehran trong việc lách các lệnh trừng phạt cũng có thể cung cấp những bài học quý giá cho Moscow.

Trong khi đó, việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) năm 2018 đã khiến nhiều quan chức Iran kết luận rằng các lệnh trừng phạt kinh tế cho dù được dỡ bỏ cũng không thể đảm bảo bình thường hóa lâu dài quan hệ thương mại với các nước khác. Thay vào đó, Tehran đã coi việc vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt là ưu tiên hàng đầu. Điều này đòi hỏi phải mở rộng quan hệ với các quốc gia bị trừng phạt khác để đảm bảo hoạt động ngoại thương bền vững.

Cuộc chiến ở Ukraine đang làm thay đổi các động lực địa chính trị và địa kinh tế thế giới. Iran coi những thay đổi này là có lợi cho họ. Trái ngược với lời khuyên của phương Tây rằng Iran nên nhanh chóng đồng ý quay trở lại tuân thủ JCPOA và tìm cách thay thế Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu, Tehran đang hướng tới một vai trò vượt xa thị trường năng lượng toàn cầu để định vị mình là một trung tâm liên khu vực quan trọng.

Iran tìm kiếm ảnh hưởng vượt ra ngoài Trung Đông để mở rộng chiều sâu chiến lược, thiết lập các mối quan hệ kinh tế mới với các quốc gia như Nga và quan hệ rộng hơn với các nước châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc và Pakistan.

Việc Iran tận dụng những cơ hội tiềm năng này như thế nào vẫn là dấu hỏi. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga mang đến cho Iran cơ hội mới để tối đa hóa lợi ích và thúc đẩy các tham vọng chính trị, kinh tế và quân sự của nước này./.

VOV.VN

Related articles
Lầu Năm Góc ký thỏa thuận chế tạo hệ thống phòng không cho Ukraine
Lầu Năm Góc đã ký một thỏa thuận trị giá 182 triệu USD với nhà sản xuất vũ khí Raytheon của Mỹ để sản xuất Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho quân đội Ukraine.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây