Ít giờ sau khi các nguồn tin từ phía chính phủ Nga khẳng định Nga đã bắt đầu rút một số đơn vị quân đội nước này khỏi khu vực biên giới Nga-Ukraine sau khi kết thúc các cuộc tập trận, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiều 15/2. Trong cuộc điện đàm, nguyên thủ hai nước Pháp - Mỹ nhấn mạnh, thông tin về việc Nga rút quân cần thiết phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Phủ Tổng thống Pháp cũng phát thông cáo đánh giá, việc Nga rút quân là một “tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên” nhưng tình hình hiện vẫn đang mong manh.
Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội Pháp chiều 15/02, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian thúc giục phía Nga cần gia tăng các hành động đi kèm với lời nói và cho rằng, Nga cần có nhiều hành động hơn để chứng minh thiện chí hạ nhiệt căng thẳng.
Phản ứng thận trọng hơn phía Pháp, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các nguồn tin tình báo từ phía Anh cho thấy nguy cơ một cuộc chiến tranh nổ ra vẫn là rất cao. Chính phủ Anh cũng tiếp tục cáo buộc rằng số lượng binh lính Nga cùng nhiều khí tài quân sự hạng nặng có mặt tại biên giới Nga-Ukraine vẫn đủ để phía Nga tiến hành bất cứ hành động quân sự ở quy mô nào, vào bất kỳ thời điểm nào.
Tuy nhiên, đáp trả tất cả những chỉ trích trên từ phía các nước phương Tây, chính phủ Nga ngày 15/02 nhiều lần khẳng định, Nga đã rút quân theo đúng kế hoạch đã công bố trước đó.
Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định lại rằng Nga “không muốn chiến tranh”, đồng thời chỉ trích các nước phương Tây đã cố tình gieo rắc thông tin sai lệch, tạo sự hoảng loạn và kích động căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Phía Nga cũng cho biết sẵn sàng tiếp tục theo đuổi các đối thoại an ninh với phương Tây.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels chiều 15/02, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết, NATO cũng sẵn sàng tiến hành các đối thoại với Nga nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Nga sau khi NATO gửi các hồi đáp về đề xuất an ninh mà Nga đưa ra hồi giữa tháng 12/2021.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của Nga. Chúng tôi hoan nghênh câu trả lời đó. Hồi tháng 01/2022, chúng tôi đã gửi các đề xuất của mình cho Nga, cùng với Mỹ, với nhiều nội dung thực chất về những chủ đề mà chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống thảo luận với phía Nga để tìm điểm chung, như việc kiểm soát vũ khí, tên lửa, minh bạch hóa các hoạt động quân sự. Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại một cách thiện chí với Nga để tìm một giải pháp chính trị”, ông Jens Stoltenberg nói./.