Phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19 - Một số giải pháp của tỉnh Bình Thuận

18/02/2022, 06:14

LTS: Đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận vừa có bài viết tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 – Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức.

 Báo Bình Thuận trân trọng giới thiệu bài viết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

Phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 đang đặt ra yêu cầu cấp bách theo hướng nhanh và bền vững. Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong tiến trình phục hồi hậu Covid-19 và đã có những tín hiệu tích cực, cho thấy khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả và kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Là một tỉnh nằm “cận kề” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tiềm năng phát triển, Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi bền vững, nâng cao khả năng chống chịu cũng như tính bền bỉ cả về kinh tế, xã hội và môi trường trước các cú sốc từ bên ngoài và phát huy được các lợi thế, điểm mạnh của mình. Bài viết này thảo luận về một số nội dung tỉnh Bình Thuận đã, đang và cần thực hiện để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, để không bị lỡ nhịp trong đà phục hồi chung của cả nước.

adsc08972.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.

Đại dịch Covid-19 đã tác động đa chiều và sâu sắc tới mọi nền kinh tế trên thế giới, đặt ra yêu cầu cấp bách về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Các gói cứu trợ kinh tế cần được duy trì cho đến khi đại dịch được kiểm soát, nhất là hỗ trợ khẩn cấp cho những lĩnh vực, địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất do đại dịch. Các biện pháp kích thích kinh tế phải bảo đảm hiệu quả cho đến khi đà phục hồi vững chắc hơn. Để chính sách hỗ trợ có hiệu quả, Chính phủ cũng như các địa phương cần linh hoạt trong bối cảnh hoạt động kinh tế, xã hội dễ tổn thương; chủ động tạo tiền đề cho tiến trình phục hồi nhanh, cân bằng và bền vững.

dsc_5496.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “xông đất” Bình Thuận năm mới Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đ.Hòa

Một số quan điểm, định hướng của Việt Nam về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ra từ sớm. Ngay trong năm đầu tiên của đại dịch (2020), Việt Nam đã có chủ trương thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong từng thời điểm cụ thể và với từng ngành kinh tế, từng địa phương, các biện pháp thực hiện mục tiêu “kép” cũng linh hoạt, căn cứ vào mức độ lây lan của dịch bệnh; tuy nhiên, mục tiêu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân luôn được đặt lên trước hết, trên hết. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã dự báo nền kinh tế nước ta “đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra” và đã nêu định hướng “chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh…; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Quốc hội khóa XV ngay tại kỳ họp đầu tiên, đã xác định Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và giao Chính phủ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện một số giải pháp cấp bách, trong đó có cả việc sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng chống dịch, cũng như thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết của Quốc hội xác định mục tiêu “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế” và giải pháp ưu tiên hàng đầu là “tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” đồng thời đặt ra yêu cầu “Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả”.

Do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ trong ngắn hạn mà sẽ kéo dài cả trung hạn và dài hạn, tác động đến các mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm, 10 năm, nên các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là điều hết sức cần thiết để Việt Nam xây dựng và thực hiện kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, không để “rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn”. Trong tình hình đó, Bộ Chính trị tiếp tục có Kết luận số 24-KL/TW “về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, nhấn mạnh “Việc sớm triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo đột phá là yêu cầu cấp thiết hiện nay để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu…”. Bộ Chính trị nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh. (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác dụng lan tỏa lớn, liên kết vùng, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước…

Trên cơ sở quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về phục hồi, phát triển kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với lộ trình và nguồn lực phù hợp. Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 1/2022, Quốc hội khóa XV đã thảo luận thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân; đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với việc thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng vốn ngân sách nhà nước, đẩy nhanh các dự án trọng điểm về năng lượng… Với những quan điểm, định hướng và chủ trương trên, Bình Thuận cần khai thác và sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách và nguồn lực của quốc gia cũng như của địa phương để phục hồi, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

dsc_4466.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm và làm việc tại Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

Kết quả thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh tại Bình Thuận

Là tỉnh cửa ngõ kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực có số ca nhiễm cao nhất nước nên tỉnh Bình Thuận chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, Bình Thuận vẫn giữ vững “vùng xanh”, giữ vai trò “vùng đệm” khi 18 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, song dịch bệnh vẫn lây lan trên diện rộng ở tỉnh Bình Thuận. Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận hơn 25.000 ca mắc Covid-19, gần 300 ca tử vong. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, việc làm của nhân dân, hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong đó ngành du lịch thiệt hại nặng nề nhất với 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản…

Trong khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả tương đối tốt. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 chỉ đạt 2,77% nhưng thu ngân sách nhà nước đạt 166,86% dự toán, tăng 122,36% so với năm 2020, nhờ hiệu ứng lan tỏa của năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất tăng 6,16%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 21,8%, thu hút vốn đầu tư phát triển tăng 8,6% so với năm 2020. Ngành du lịch sớm mở cửa đón khách trở lại ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128. Sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản ổn định, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế… Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tiến độ thi công và tiến độ giải ngân cao dù có những thời điểm rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng, lưu thông nguyên vật liệu tắc nghẽn. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững… Đạt được những kết quả trên là nhờ tỉnh Bình Thuận vừa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh một cách phù hợp. Kết quả này là nền tảng, là động lực để Bình Thuận phục hồi kinh tế và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

chi-so.jpg
Bảng thống kê một số chỉ số đo lường về tỉnh Bình Thuận của tác giả.

Một số giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một đòi hỏi thúc bách của các địa phương nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh Bình Thuận phải bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, gắn với việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Quá trình đó, Bình Thuận thực hiện hài hòa việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng dịch Covid-19” và khôi phục, phát triển nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới dựa trên các trụ cột kinh tế của tỉnh, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, người lao động, các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội… Theo đó, tỉnh Bình Thuận tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tháo gỡ “nút thắt” từ nhân tố con người. Bình Thuận có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, tỉnh chưa phát huy một cách có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đó. Một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của Bình Thuận, là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và nhân tố con người. Nhiều năm qua, các Chỉ số cải cách hành chính (Par index), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (Papi), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) của tỉnh Bình Thuận thuộc nhóm thấp nhất nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy ở mức trên trung bình nhưng có xu hướng tụt hạng 3 năm liên tục gần đây. Đây là “nút thắt”, “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển của tỉnh. “Điểm nghẽn” này xuất phát từ nhân tố con người, đang được tỉnh Bình Thuận đặt ở vị trí ưu tiên khắc phục hàng đầu, bởi nếu không cải thiện thực trạng trên, những giải pháp khác sẽ khó đem lại hiệu quả.

Quyết tâm cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và UBND tỉnh chỉ đạo bằng văn bản cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của người dân, trong đó, trách nhiệm cơ quan hành chính nhà nước là trọng tâm. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo chuyển biến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Từ năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã duy trì chế độ tiếp, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những công việc còn chậm từ phía cơ quan nhà nước. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã nhấn mạnh thông điệp xây dựng chính quyền các cấp kiến tạo, liêm chính, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; lãnh đạo nào, cán bộ công chức nào không làm được, không theo kịp thì “đứng sang một bên” để người khác làm; sẵn sàng thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực, cố ý kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, tham mưu không đúng, tham mưu “hàng hai” không rõ chính kiến…

Thứ hai, thực hiện phục hồi kinh tế gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bình Thuận xác định 3 trụ cột kinh tế cần ưu tiên phát triển là: Công nghiệp (tập trung vào công nghiệp năng lượng), nông nghiệp (gắn với ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị), du lịch. Để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 5 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội là: (i) Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị tăng cao; (ii) Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (iii) Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; (iv) Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (v) Nghị quyết về chuyển đổi số. Sắp tới, Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết về nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Với việc ban hành các nghị quyết trên, Bình Thuận định hình được tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho 5 đến 10 năm tới trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mà Bình Thuận có tiềm năng và lợi thế.

Đối với công nghiệp, Bình Thuận đang tập trung thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp Tuy Phong ở phía Bắc tỉnh; khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 ở phía Nam tỉnh, các cụm công nghiệp ở huyện Đức Linh, Tánh Linh. Là tỉnh nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vốn đã quá “chật chội” về không gian phát triển, quá tải lao động và hạ tầng thiết yếu, thì việc có đất đai rộng, khí hậu biển trong lành, có cao tốc, sân bay, cảng biển, nguồn nhân lực tại chỗ tương đối dồi dào... Bình Thuận đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy, Bình Thuận đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, có trình độ khoa học - công nghệ cao.

Phát triển công nghiệp năng lượng là một lợi thế lớn của tỉnh Bình Thuận, nhất là năng lượng tái tạo. Từ năm 2013, Bộ Chính trị đã có Kết luận 76-KL/TW, nhấn mạnh xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Sau gần 10 năm thực hiện kết luận trên, Bình Thuận đã có 47 dự án sản xuất điện đang hoạt động (tổng công suất phát là 6.480 MW). Với kết quả của Hội nghị COP 26 và cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bình Thuận sẽ có cơ hội lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, bởi Bình Thuận có nhiều tiềm năng về bức xạ mặt trời, năng lượng gió. Điều này cũng phù hợp với những quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nắm bắt cơ hội này, Bình Thuận đã nhấn mạnh thông điệp: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, không gian biển để nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, đề xuất dự án đầu tư, nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, sản xuất năng lượng điện từ Hydrogen. Đồng thời, hiện nay, Bình Thuận đang “kiên trì đeo bám” đề xuất với Chính phủ để có được sự “hiện diện” rõ nét trong quy hoạch điện VIII với các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn như dự án Thăng Long Win của tập đoàn Enginer Interprize (3.400 MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ usd); dự án điện gió Tuy Phong của tập đoàn Orsted và T&T (4.600 MW, 15 tỷ usd), dự án điện gió AMI AC Bình Thuận của Công ty AMI AC Renewable (1.800 MW, 5 tỷ usd)...

Trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, Bình Thuận ưu tiên thúc đẩy phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tạo giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Bình Thuận được biết đến là vùng trồng thanh long nổi tiếng, ngư trường lớn và nhiều sản phẩm hải sản ngon, phong phú nên kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm chế biến có thương hiệu và giá trị gia tăng cao trên thị trường…

Trên lĩnh vực du lịch, Bình Thuận đã thực hiện “mở cửa” từ giữa tháng 10/2021, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh đang từng bước “gượng dậy và phục hồi”, tái cấu trúc mô hình kinh doanh sau 2 năm tăng trưởng âm. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Bình Thuận đã đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động, giúp đỡ các doanh nghiệp tổ chức hoạt động du lịch an toàn dịch bệnh; tuyên truyền, quảng bá du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối; bảo vệ, gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng văn hóa, nếp sống của người dân địa phương văn minh, thân thiện, nghĩa tình… Về lâu dài, cùng với quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050, Bình Thuận đang tính toán quy hoạch lại không gian du lịch một cách bài bản hơn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đẳng cấp; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về biển, cảnh quan thiên nhiên, những đặc trưng văn hóa để làm phong phú hơn các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển những loại hình du lịch đang có sức hấp dẫn du khách như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, sinh thái… Đồng thời, đẩy nhanh các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư mới sớm hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án du lịch lớn, tạo hạt nhân lan tỏa và sức hút du lịch. Bình Thuận cũng đã đăng ký đón khách du lịch quốc tế với các giải pháp du lịch an toàn…

Đối với nông nghiệp, Bình Thuận đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái…

Thứ ba, lấy đầu tư công kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp tạo cung để kích thích tổng cầu, làm cho hoạt động kinh tế theo quy luật cung - cầu hài hòa hơn, từ đó góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế trở lại. Trong năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã thông qua chủ trương đầu tư 297 dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư là 2.918 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 có 662 dự án đầu tư công với tổng kinh phí là hơn 20.769 ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể 3 dự án quan trọng đang được triển khai trên địa bàn là dự án thành phần đường bộ cao tốc phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, dự án Cảng hàng không Phan Thiết, dự án hồ chứa nước Kapét. Số dự án và số vốn đầu tư công của Bình Thuận không nhiều, song cũng không phải quá ít và trong đó có những công trình rất quan trọng, có tác dụng lan tỏa mạnh và rộng, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng mới đường 719b từ Phan Thiết đến Kê Gà (song song với tuyến đường ven biển 719), đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối quốc lộ 1 với khu du lịch Tiến Thành, đường Hòn Lan - Tân Hải, đường Tân Minh - Sơn Mỹ, đường Đông Hà - Gia Huynh; các công trình thủy lợi quan trọng như tuyến kênh tiếp nước liên huyện phía Nam tỉnh, kênh sông Dinh - Núi đất, kênh Biển Lạc - Hàm Tân; công trình cầu Văn Thánh… Bình Thuận đang dồn sức, dồn lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình - dự án, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong xu hướng phục hồi chung của cả nước, Bình Thuận cần có các giải pháp phục hồi một cách thông minh, sáng tạo, khoa học, vừa không để lỡ nhịp, đi sau, về sau, vừa đảm bảo có tốc độ phục hồi, phát triển cao. Quá trình đó, Bình Thuận chú trọng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả từng ngành, lĩnh vực, từng chủ trương, chính sách và xem đây là khâu đột phá, tạo bước nhảy vọt xa hơn, cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận về chuyển đổi số đã xác định trọng tâm chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Bình Thuận sẽ xây dựng các chính sách địa phương ưu tiên chuyển đổi số đối với các cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công, doanh nghiệp, hợp tác xã và thúc đẩy phát triển nền kinh tế “không chạm”. Trong đó, đến năm 2025, tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, hồ sơ công việc của các cơ quan nhà nước các cấp chủ yếu được xử lý trên môi trường mạng; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; kinh tế số chiếm 20% GRDP; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP… Để sớm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu về chuyển đổi số, Bình Thuận sẽ tập trung phổ cập kiến thức cho người dân, doanh nghiệp, tạo thói quen sử dụng dịch vụ số, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số… Chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo lập môi trường lao động hấp dẫn, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số.

bi-15-.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra công trình đường cao tốc Bắc Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: N.Lân

Kết luận

Đại dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả rất lớn về kinh tế - xã hội. Quá trình phục hồi kinh tế là một thách thức đáng kể nhưng cũng là một cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế với những hướng đi mới đột phá. Là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp (bao gồm công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo); du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, Bình Thuận có thể tạo ra những đột phá trong phục hồi, phát triển kinh tế nếu có một kế hoạch sáng tạo, thông minh, kết hợp hài hòa giữa nhân tố con người, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội hiện có.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021.

2. Kết luận 16-KL/TW ngày 08/10/2021 của Bộ Chính trị.

3. Kết luận 20-KL/TW ngày 16/10/2021 tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022.

4. Kết luận 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

5. Nghị quyết 16/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV.

6. Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV.

7. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của UBND tỉnh Bình Thuận.

TIẾN SĨ DƯƠNG VĂN AN

Related articles
Cán bộ Mặt trận nhiệt tình với công việc
Gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với anh Lê Ngọc Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19 - Một số giải pháp của tỉnh Bình Thuận