Phú Quý: Mong muốn thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản

18/04/2024, 05:05

Từ mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở huyện Hàm Thuận Nam thành công ngoài mong đợi, cho thấy việc thực hiện đồng quản lý đã có tác động tích cực và có sức lan tỏa rộng rãi đến các địa phương có biển khác. Phú Quý đã được đề xuất là 1 trong 16 Khu bảo tồn biển của cả nước, thì việc mong muốn thực hiện mô hình đồng quản lý là điều hiển nhiên.

Sớm triển khai tại huyện đảo

Vùng ven biển đảo Phú Quý hội tụ nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi nên đã hình thành nên nhiều kiểu hệ sinh thái đặc trưng. Tài nguyên sinh vật và sự đa dạng hệ sinh thái nơi đây là tiềm năng to lớn phát triển ngành thủy sản, dịch vụ du lịch... tạo lợi thế quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế của huyện Phú Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản nơi đây, năm 1995, Phú Quý đã được đề xuất xây dựng khu bảo tồn biển. Sau đó, Phú Quý nằm trong danh mục 16 Khu bảo tồn biển do Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường (cũ) đề xuất vào năm 1998. Đến năm 2021, dự án “Thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quý” tiếp tục được thực hiện và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi tiết. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Viện Hải dương học Nha Trang) khảo sát lập dự án và đã mở hội thảo lấy ý kiến nhân dân tại huyện Phú Quý, đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên cho đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau Khu bảo tồn biển Phú Quý vẫn chưa được thành lập và đi vào hoạt động.

hon-do-phu-quy-anh-n.-lan-1.jpg
Một góc huyện đảo Phú Quý (ảnh: N. Lân)

Những năm gần đây, Phú Quý cũng như các địa phương có biển khác đang phải đối mặt với nguy cơ nguồn lợi ngày càng bị suy giảm, hệ sinh thái biển bị ô nhiễm, mà nguyên nhân là do các hoạt động khai thác hải sản chưa được kiểm soát chặt chẽ, cùng với tác động từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kè biển, cảng biển, quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, giải pháp thành lập khu bảo tồn biển đang gặp trở ngại, nên việc phát triển, áp dụng đồng quản lý là phù hợp nhất.

Những năm qua, nhiều tỉnh, thành ven biển đã áp dụng triển khai mô hình đồng quản lý ở vùng biển ven bờ mang lại hiệu quả cao. Là một trong những tỉnh triển khai mô hình đồng quản lý đầu tiên trong cả nước, thực hiện đầu tiên ở Tuy Phong vào năm 2012 với mô hình đồng quản lý nguồn lợi điệp quạt. Đến năm 2018, 3 xã ven biển ở huyện Hàm Thuận Nam đã từng bước hình thành và xây dựng theo mô hình Hội Cộng đồng ngư dân, được đánh giá rất thành công. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã định hướng chỉ đạo, xây dựng, phát triển, nhân rộng đồng quản lý để bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ven biển, hải đảo, gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân ở các địa phương có biển khác trong tỉnh.

z4685577649769_df8f0938125d8bf68c76781fb49acf74.jpg
Mô hình Hội cộng đồng ngư dân ở Hàm Thuận Nam được đánh giá rất thành công.

Bảo vệ nguồn lợi đa dạng

Mặc dù các mô hình còn nhiều khó khăn do chưa có chính sách cụ thể, cơ chế chưa rõ ràng, thiếu kinh phí để duy trì hoạt động… nhưng hiệu quả mà mô hình đồng quản lý mang lại vô cùng lớn. Thông qua các Hội Cộng đồng ngư dân, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nâng cao, phát huy sức mạnh tập thể, huy động sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhận thức được điều đó, cộng với đặc thù là vùng biển đảo, do đó để bảo đảm các ngành kinh tế của huyện sử dụng không gian biển ven bờ phát triển hài hòa, hiệu quả, bền vững thì rất cần các phương thức quản lý hợp lý, hiệu quả nguồn lợi từ biển, trong đó có phương thức quản lý dựa vào cộng đồng.

Theo đề xuất của Phòng Kinh tế - Tài chính huyện Phú Quý, mô hình đồng quản lý nên thực hiện tại 2 điểm: Vùng biển Lạch Dù thuộc xã Long Hải và Tam Thanh và vùng biển phía Đông Nam Hòn Tranh. 2 nơi này có hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển phong phú và bãi đẻ của mực cần được bảo vệ. Qua khảo sát, đối tượng tham gia mô hình sẽ là các tổ chức và cá nhân hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, hoạt động dịch vụ, du lịch có liên quan đến nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển. Do đó, để đảm bảo nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú và bền vững trong tương lai cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và phát triển dân số, cần phải có các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển nơi đây.

nuoi-thuy-san-bang-long-be-o-phu-quy-anh-n.-lan-1-.jpg
Khu nuôi trồng hải sản vùng biển Lạch Dù thuộc xã Long Hải và Tam Thanh.

Theo Luật Thủy sản 2017, đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thông qua đồng quản lý, sẽ huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ xã hội cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách hữu hiệu; khai thác hiệu quả, lâu dài hơn các giá trị của tài nguyên biển để phục vụ các lợi ích kinh tế và xã hội cho người dân. Qua đó, góp phần cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tại các địa phương ven biển.

bien-long-hai-phu-quy-anh-n.-lan-.jpg
Cần phải có các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển nơi đây (ảnh: N. Lân)

Được biết, dự án thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quý, là dự án thứ 2 của tỉnh Bình Thuận, trước đó Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong) đã đi vào hoạt động từ năm 2011.

MINH VÂN

Related articles
Hàm Thuận Nam: Kinh nghiệm từ mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành tỉnh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, năm 2016 mô hình thí điểm đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được triển khai thực hiện đầu tiên tại xã Thuận Quý. Đến năm 2018 mô hình được mở rộng thực hiện cho xã Tân Thành, Tân Thuận và mang lại nhiều kết quả khả quan.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý: Mong muốn thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản