Từ kinh tế biển
Anh Đạt ngụ tại TP. Hồ Chí Minh vừa đi du lịch Phú Quý lần đầu cho biết rất hài lòng về chuyến đi, bởi thời gian di chuyển từ Phan Thiết ra đảo trên tàu cao tốc hiện đại chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Không như những gì mường tượng về một nơi sóng nước, biển trời bao la cách đất liền 56 hải lý - tức khoảng 120 km, huyện đảo vẫn giữ được nét hoang sơ và dịch vụ tại đây cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của đông đảo du khách về lưu trú, ăn uống, tham quan, mua sắm đặc sản địa phương… với mức giá hợp lý.
Thật vậy, so trước kia thì việc ra đảo bây giờ khá dễ dàng, thuận tiện hơn nhờ các thành phần kinh tế đưa vào hoạt động đội tàu vận tải trên tuyến giao thông đường thủy Phú Quý - Phan Thiết (và ngược lại). Trong đó có nhiều tàu chuyên phục vụ vận chuyển hành khách với quy mô hàng trăm khách/chuyến như Supperdong I và II, Phú Quý Express, Tuần Châu, Trưng Trắc… cùng 7 tàu lớn chuyên chở hàng hóa. Tận dụng thế mạnh du lịch biển đảo và sở hữu nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nên Phú Quý hiện nay đã trở thành điểm đến hút khách, nhất là vào mùa “biển êm, sóng lặng”. Điều này có thể dẫn chứng qua các con số thống kê gần đây: Trong 2 tháng đầu năm nay toàn huyện chỉ đón hơn 6.580 lượt khách, nhưng đến tháng 3 - thời điểm sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã có gần 17.200 lượt khách ra đảo. Tính chung cả quý I/2024, du lịch Phú Quý thu hút khoảng 23.780 lượt khách (trong đó khách quốc tế có 985 lượt), tăng hơn 13.830 lượt so cùng kỳ năm ngoái. Còn trong tháng 4 vừa qua, do có kỳ nghỉ lễ dài ngày cùng với thời tiết thuận lợi nên điểm đến Phú Quý ước đón hơn 21.460 lượt khách ra đảo tham quan, khám phá, trải nghiệm…
Thế mạnh về kinh tế biển của Phú Quý còn thể hiện qua năng lực tàu thuyền tại địa phương với tổng cộng 1.727 chiếc, trong đó tàu cá công suất từ 90 CV trở lên có gần 600 chiếc, riêng tàu làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản là 137 chiếc. Đến nay hầu hết tàu công suất lớn trên toàn huyện đều đã lắp đặt máy giám sát hành trình, ngoại trừ một vài trường hợp thuộc diện không còn tham gia hoạt động khai thác nhiều năm. Là địa bàn huyện đảo, địa phương luôn quan tâm tuyên truyền, phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ nhằm hỗ trợ đánh bắt xa bờ, hoặc triển khai một số chính sách phát triển thủy sản cho ngư dân theo các Quyết định, Nghị định của Chính phủ… Bước vào quý II năm nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi nên đã tạo điều kiện cho tàu thuyền tại huyện đảo vươn khơi đánh bắt hải sản với sản lượng trong tháng 4/2024 đạt trên 4.710 tấn, nâng sản lượng khai thác tính từ đầu năm lên hơn 8.300 tấn. Gắn với việc khai thác hải sản, địa phương tiếp tục tăng cường công tác điều tra, quản lý chặt chẽ các đối tượng có khả năng thực hiện đánh bắt bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại và không để xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài…
Đến đa ngành nghề
Nhớ lại trước đây, mỗi lần từ đất liền ra Phú Quý công tác hoặc có công việc là ai nấy đều phải chuẩn bị tinh thần cho một chuyến “hành xác” với hải trình kéo dài 6 - 7 tiếng đồng hồ trên tàu sắt. Khi đó nguồn điện trên địa bàn huyện đảo cũng chưa đáp ứng 24/24h cho sinh hoạt lẫn sản xuất - kinh doanh của người dân, hoạt động thương mại và dịch vụ nơi đây còn thiếu thốn, thậm chí một số mặt hàng thiết yếu cũng gặp khó khăn nếu thời tiết biển động dài ngày…
Giờ đã khác hẳn, diện mạo Phú Quý đã khởi sắc thấy rõ với nguồn điện diesel - nước sạch đã đảm bảo cung cấp đầy đủ, ngày càng nhiều nhà phố kinh doanh đa dạng dịch vụ, mua bán tất cả mặt hàng như ở các đô thị trên đất liền. Thông qua xúc tiến thương mại, không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn huyện đảo… Đến đảo ngọc vào dịp 30/4 - 1/5 vừa qua, chúng tôi nghe chủ một khách sạn tại trung tâm xã Tam Thanh kể vui rằng: Dạo trước có đoàn khách từ tỉnh công nghiệp phía Nam tham gia tour du lịch Phú Quý, nhưng hành lý mỗi thanh niên lại lỉnh kỉnh kèm 2 thùng bia thương hiệu nổi tiếng. Hỏi mới biết, vì cả đoàn nghĩ rằng ngoài này làm gì có bán loại bia mà người sành điệu ưa dùng, song không ngờ khi chỉ cần “a lô!” là đại lý trên đảo mang tới tận nơi với mức giá như ở đất liền.
Đặc biệt với ngành “công nghiệp không khói”, từ nơi đầu sóng ngọn gió hoang sơ với tên gọi chưa quen tai, thì nay điểm đến Phú Quý luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách. Với bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, địa bàn huyện đảo đã có hơn trăm khách sạn, resort, nhà nghỉ, homestay với khoảng 1.200 phòng và sẵn sàng đón tiếp, phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Nhờ thu hút đông du khách mà không ít hộ dân tham gia hoạt động kinh doanh hoặc nuôi cá lồng bè nơi đây mạnh dạn mở nhà hàng, quán ăn, dịch vụ phục vụ cho các đối tượng khách có nhu cầu về ẩm thực, thể thao giải trí trên biển, quà đặc sản…
Theo chính quyền huyện đảo, tới đây Phú Quý sẽ tranh thủ tối đa các nguồn lực, qua đó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh kinh tế, đặc biệt là công trình trọng điểm, thiết yếu trên địa bàn. Mặt khác còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư cũng như hỗ trợ các dự án có vốn ngoài ngân sách để sớm triển khai thi công hoàn thành, đưa vào hoạt động hiệu quả. Trong đó tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển ở các lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng, thu mua - chế biến và xuất khẩu hải sản, chú trọng nâng cao chất lượng tuyến vận tải Phú Quý - Phan Thiết phục vụ phát triển du lịch, góp phần đưa kinh tế huyện đảo vươn lên xứng tầm.
Mùa này biển êm như mặt hồ, hành khách trên các chuyến tàu cao tốc chào tạm biệt Phú Quý trở lại đất liền với những câu chuyện rôm rả về hành trình khám phá đảo xa cũng như sự thân thiện, dễ mến của người dân nơi đây. Ngược lại ở đầu bến Phan Thiết, vẫn có đông người từ khắp nơi đang xếp hàng dài, háo hức chờ bước lên con tàu hiện đại để vượt sóng đến với Phú Quý… Cách đó không xa, các chuyến tàu hàng cũng khẩn trương tập kết đưa vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị và đủ loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con lẫn du khách nối tiếp hướng ra biển đảo.