Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

10/06/2024, 05:19

Năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 44 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Qua 5 năm thực hiện Kết luận số 44, Bình Thuận tiếp tục đạt nhiều thành quả quan trọng, song cũng còn không ít tồn tại, hạn chế…

Chung sức giữ gìn an ninh trật tự

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là hoạt động tập hợp đông đảo nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), là cơ sở cốt lõi để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Thực hiện Kết luận số 44 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh ta đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục xây dựng, củng cố phong trào ngày càng rộng khắp. 5 năm qua, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực.

anh-hoai-anh.jpg
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 44 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. 

Đến nay, 100% thôn, khu phố trong toàn tỉnh đã có ít nhất 1 mô hình “tự phòng, tự quản”, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Trong 5 năm qua, có 11 mô hình hiệu quả được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an) ghi nhận, giới thiệu toàn quốc. Đó là mô hình “Camera an ninh phòng, chống tội phạm” huyện Đức Linh, “Quỹ nhân dân với ANTT”, “Làng biển không sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản” tại huyện đảo Phú Quý, “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn ANTT” vùng đồng bào dân tộc Chăm, huyện Bắc Bình, “Khu dân cư phòng, chống bạo lực gia đình” xã Gia An (Tánh Linh), “Giáo xứ không có thanh niên vi phạm pháp luật” tại Giáo xứ Tư Tề, xã Đức Tín, huyện Đức Linh…

Bên cạnh nỗ lực xây dựng mô hình, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật về ANTT, phòng chống tội phạm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, kích động gây rối. Qua tuyên truyền, vận động đã giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong 5 năm, qua vận động, nhân dân đã giao nộp cho cơ quan chức năng 185 súng các loại (quân dụng, súng hơi, súng tự chế), 306 công cụ hỗ trợ, 2.028 vũ khí thô sơ, 124 đầu đạn, 6 quả lựu đạn, 1.821 quả pháo, 8,1 kg thuốc pháo. Mặt khác, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp nhiều thông tin có giá trị để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn nhiều vụ việc liên quan ANTT ở cơ sở, không để phát sinh điểm nóng.

z4506024619459_55539cbcb4807b8f9e07e104ff686b6e.jpg
Công an tỉnh và UBND TP. Phan Thiết tuyên dương cá nhân có thành tích trong giữ gìn ANTT địa phương. 

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Một trong những kết quả quan trọng khác trong triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đó là công tác đấu tranh chống các loại tội phạm được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nhờ vậy, tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội được nâng lên. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ và xử lý 2.859/3.338 vụ phạm tội về trật tự xã hội và tệ nạn xã hội (đạt 86%); bắt giữ 2.569 đối tượng, trong đó có 1.186 vụ/7.596 đối tượng đánh bạc. Đấu tranh với tội phạm và tệ nạn về ma túy, các lực lượng chức năng đã triệt phá 1.985 vụ, bắt 2.815 đối tượng; lập 2.532 hồ sơ quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; lập 1.411 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, còn phát hiện, xử lý 1.856 vụ/1.374 đối tượng vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 44 vừa diễn ra, các ngành, địa phương cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đáng lưu ý, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ ANTT, còn có tư tưởng xem đây là trách nhiệm của lực lượng Công an. Công tác tuyên truyền, vận động tuy có đổi mới nhưng có nơi còn nặng tính hình thức, chất lượng của phong trào tại một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng phong trào tại một số nơi có mặt còn hạn chế, nhất là công tác rà soát, sơ tổng kết, đánh giá mô hình “Tự phòng, tự quản”. Việc tổng kết, nhân rộng một số mô hiệu quả chưa nhiều, chưa cụ thể; vẫn còn địa phương, cơ quan, đơn vị xếp loại yếu trong xây dựng phong trào. Vì thế, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế là điều cần tập trung trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trong tình hình mới. Quá trình thực hiện phải xác định phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp. Gắn công tác phòng ngừa tội phạm với chống, đẩy mạnh xây dựng và phát triển phong trào trên không gian mạng; vận động nhân dân tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia của nhân dân để việc thực hiện phong trào ngày càng hiệu quả, rộng khắp. Nâng cao chất lượng xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và các điển hình tiên tiến về phong trào, quyết tâm không còn đơn vị, địa phương xếp loại phong trào yếu. Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời kết thúc mô hình không còn phù hợp, kém hiệu quả. Xây dựng lực lượng Công an tỉnh trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng Công an xã, thực hiện tốt việc thành lập và tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

LÊ PHÚC

Related articles
Tánh Linh: Tọa đàm về giải pháp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tánh Linh và Công an huyện vừa tổ chức buổi tọa đàm thực trạng và giải pháp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên