Phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

06/05/2024, 08:29

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Bệnh nghề nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm hiệu suất làm việc của người lao động. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt.

Tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Thực tế cho thấy, hiện môi trường lao động ở Việt Nam vẫn còn nhiều ô nhiễm. Trước thực trạng đó, thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, đã phát hiện hàng ngàn trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào bệnh như: Bụi phổi silic, bụi phổi bông, viêm phế quản mãn tính, nhiễm độc benzen, bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ, điếc do tiếng ồn, sạm da nghề nghiệp, viêm gan vi rút… Chính vì thế Bộ Y tế đã phải đề xuất quy định danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp với 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt trong những năm gần đây tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng. Cả nước có khoảng 54 triệu người lao động, dự báo có khoảng 15 triệu người lao động có tiếp xúc yếu tố có hại nghề nghiệp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Thực tế cũng đã có nhiều ca tử vong về bệnh nghề nghiệp. Tại một công ty chuyên sản xuất bột đá ở tỉnh Nghệ An đã có 6 công nhân làm việc ở đây tử vong và hàng chục công nhân khác được phát hiện mắc bệnh bụi phổi silic sau khi khám sức khỏe. Bụi phổi silic là 1 trong 28 bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng hàng đầu hiện nay vì bệnh này đến nay chưa được chữa khỏi. Ở tỉnh Hải Dương cũng đã xảy ra trường hợp hàng chục công nhân bị nhiễm độc thiếc ở xưởng nghiền phế liệu, hơn 1.000 người lao động đã phải đi xét nghiệm. Tỉnh Bình Thuận cũng có một số người bị bệnh nghề nghiệp, nhất là bệnh điếc nên tỉnh đã triển khai tuyên truyền phòng, chống bệnh điếc nghề nghiệp. Đây là loại bệnh nghề nghiệp có tỷ lệ mắc đứng thứ 2 trong số 35 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Hàng năm, có khoảng từ 250 - 500 trường hợp được Viện Giám định y khoa kết luận là bị bệnh này. Theo Bộ Y tế, nếu như năm 2013, có 110.000 người được khám, phát hiện 21 loại bệnh nghề nghiệp thì đến năm 2023, đã có khoảng 500.000 người được khám, phát hiện khoảng 35 loại bệnh nghề nghiệp.

boi-thuong-do-tai-nan-lao-dong.jpg
Khám sức khỏe cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Chăm sóc sức khỏe người lao động

Xác định tầm quan trọng của lực lượng lao động và nhận thức người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, trong đó có phòng, chống bệnh nghề nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch với mục tiêu chung nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh là tất cả các huyện, thị xã, thành phố phải triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý được khoảng 1/3 cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp và quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Tăng thêm số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, số cơ sở được quan trắc môi trường lao động so với năm 2023. Tất cả số người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng…

Để thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải tăng cường nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó rà soát, đầu tư nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thực hiện quan trắc môi trường lao động cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và hỗ trợ đảm bảo chất lượng lao động, quan trắc môi trường lao động trên địa bàn tỉnh. Rà soát nhu cầu khám, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu để được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định…

PHAN LIÊN

Related articles
Xã Tân Phúc (Hàm Tân): Triển khai “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính
Với giải pháp sáng kiến về cải cách hành chính, UBND xã Tân Phúc (huyện Hàm Tân) đã triển khai thực hiện mô hình “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính kể từ đầu tháng 3/2024 đến nay.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động