Phát triển thương hiệu sản phẩm từ củ nghệ

21/07/2022, 06:03

Nhận thấy tiềm năng phát triển của tinh bột nghệ, chị Lê Thị Lệ Thắm (xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh) quyết định bắt tay sản xuất. Sau 4 năm miệt mài, sản phẩm tinh bột nghệ mang thương hiệu Đông Đan của chị đã được công nhận là 1 trong 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Vừa trở về từ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp huyện Tánh Linh”, chị Lê Thị Lệ Thắm lại tất bật sửa soạn hàng hóa kịp đơn hàng giao cho khách. Kể về mối duyên bén với nghề kinh doanh, chị Thắm cho biết: "Tôi là giáo viên tin học. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng trồng thêm các loại hoa màu và 2 sào nghệ đỏ với ý định bán củ cho thương lái. Trong khi sản phẩm từ đậu, mè rất dễ tiêu thụ tại địa phương, còn củ nghệ tươi 1 năm mới cho thu hoạch nhưng hỏi thăm các thương lái gần xa thì không ai mua hoặc mua giá quá thấp, tốn kém chi phí vận chuyển, không có lợi nhuận. Lo lắng không biết làm sao để giải quyết hết mấy tấn nghệ tươi, thôi thúc bản thân thử làm tinh bột nghệ. Ban đầu làm thủ công, thấy sản phẩm tinh bột nghệ có thể để được lâu và nhiều người hỏi mua, trong khi khu vực xung quanh chưa ai sản xuất. Vậy là vợ chồng lên mạng tìm hiểu thêm quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy móc thiết bị để hỗ trợ làm ra sản phẩm".

che-bien-nghe.11.jpg
Chị Thắm thực hiện các công đoạn để cho ra thành phẩm bột nghệ
bot-nghe.jpg
Tinh bột nghệ Đông Đan- một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022

Tất cả nguyên liệu đều làm từ củ nghệ đỏ (nghệ nếp). Loại giống củ nhỏ, thời gian sinh trưởng và phát triển lâu, nhưng bù lại chúng cho ra lượng tinh bột nghệ lớn, có hàm lượng hoạt chất Curcumin cao nhất. Sau khi thu hoạch về nhặt sạch rễ, rửa sạch đất, nghiền mịn, sau đó bỏ vào máy vắt lấy nước. Từ nước nghệ sau khi vắt ra tiến hành lọc thủ công để tách mủ nghệ và cặn nhiều lần đến khi nào tinh nghệ hoàn toàn sạch sẽ đem đi phơi nơi không bụi. Sau khi phơi khô đem sấy lại để bảo quản được lâu hơn, rồi nghiền mịn hoặc chế biến thành nghệ viên mật ong đóng vào hũ kín.

Những công dụng trong chữa bệnh, cộng thêm giá cả cạnh tranh (400.000 – 450.000 đồng/kg) và sự kết nối của trang mạng xã hội, người dùng truyền tai mà sản phẩm tinh bột nghệ Đông Đan được mọi người biết đến, đặt hàng thường xuyên hơn. Hiện ngoài 1 ha trồng trên đất của gia đình, để có đủ nguyên liệu, chị Thắm còn mua thêm nghệ củ của người dân trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ Tánh Linh, mô hình trồng nghệ dược liệu đang cho thấy triển vọng khi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đồng đất nơi đây. Đồng thời, đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân. Hướng đi này cũng góp phần thay đổi về tư duy, nhận thức một cách toàn diện trong phát triển nông nghiệp, hình thành nền kinh tế “xanh”, các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp.

THỤC ANH

Related articles
Công nhận 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận
UBND tỉnh vừa có Quyết định về việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2022 và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thương hiệu sản phẩm từ củ nghệ