Đạt và vượt đa số các chỉ tiêu
Nhìn lại chặng đường năm 2024, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp cả nước là tăng trưởng GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao… Góp phần vào những thành quả chung ấy, ngành nông nghiệp Bình Thuận ghi dấu ấn hoàn thành 10/10 nhiệm vụ chủ yếu được UBND tỉnh giao; đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu, 2 chỉ tiêu đạt trên 95% kế hoạch.
Trong số những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,07%/kế hoạch 3 - 3,2%. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, sản lượng lương thực, sản lượng cao su, đàn heo, gia cầm, sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản khai thác... Trong đó, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày ước đạt 104,4% kế hoạch. Riêng cây lúa, diện tích gieo trồng ước đạt 126.300 ha/123.280 ha… Tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 873.080 tấn/872.000 tấn… Đây chính là minh chứng rõ nhất cho sự vượt khó của ngành nông nghiệp, vượt thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.
Đơn cử về chăn nuôi, tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Toàn tỉnh có 220 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hiện có 12 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, trong năm qua ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đó là liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh chưa thật sự ổn định. Diện tích sản xuất thanh long đạt theo tiêu chuẩn VietGAP chưa đạt chỉ tiêu…
Năm tăng tốc
Cùng với các lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp Bình Thuận bước vào năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước dự kiến tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Với quyết tâm cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị…
Trong đó, một trong những giải pháp được đặt ra là chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương. Tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; chuyển đổi mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, nhất là thanh long. Tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh, sản phẩm OCOP. Song song, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch theo VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái… Chú trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục triển khai quyết liệt kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU)…
Những định hướng phát triển ngành nông nghiệp năm 2025 cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa diễn ra. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc và bứt phá. Vì vậy, cần tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ngành nông nghiệp nhanh và bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại và mở cửa thị trường, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng…
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2025 ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội được giao. Đồng thời đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ngành nông nghiệp tăng từ 3 đến 3,5%; Tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 43%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 75%. Phấn đấu sản lượng lương thực đạt 890.000 tấn. Phấn đấu phát triển đàn bò là 190.000 con; đàn heo 425.000 con; tổng sản lượng thịt hơi năm 2025 đạt 115.000 tấn…