Phát triển kinh tế tập thể trong thời hội nhập

20/08/2024, 08:48

Thực tiễn, kinh nghiệm ở nước ta và trên thế giới ngày càng khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn đang chứng thực là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và quan trọng hơn nữa, thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn trên con đường mưu cầu no ấm và hạnh phúc của mình, trên quy mô toàn cầu.

Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự thống nhất chung trong chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thể hiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành đồng bộ, thống nhất; từ đó nhận thức chung trong xã hội về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được nâng lên… Do vậy có thể khẳng định, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp gắn liền với ngành sản xuất vật chất chủ yếu nuôi sống đất nước và đóng góp kim ngạch xuất khẩu quan trọng. Với gần 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, ‏“‏Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và hai năm thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9/3/2020, của Bộ Chính trị khóa XII, ‏“‏Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách một cách tổng thể và căn cơ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, nền kinh tế có độ mở lớn. Hiện nay, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể. Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể cũng phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực kinh tế tập thể với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Hơn bao giờ hết, thực tiễn đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam. Do đó, phải không ngừng đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, để học tập kinh nghiệm quản lý, mô hình phát triển hợp tác xã bền vững của các nước. Chủ động tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực hợp tác xã, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể. Trong quá trình đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải chủ động trong việc tiếp thu kinh nghiệm, phổ biến việc ứng dụng linh hoạt, hiệu quả những mô hình thành công trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Liên minh Hợp tác xã quốc tế, các tổ chức hợp tác xã các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ hợp tác xã các nước để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường. Các cơ quan báo chí, truyền thông phải tăng cường tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đối với sự phát triển chung của đất nước.

BẢO NGỌC

Related articles
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Thực trạng và giải pháp
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển kinh tế tập thể trong thời hội nhập