Phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận: Còn khó khăn, vướng mắc

21/02/2022, 05:55

Trong số 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.180 ha theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 được phê duyệt, đến nay có 15 cụm đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tình hình đầu tư phát triển và thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận hiện còn không ít khó khăn, vướng mắc...

nha-may-san-xuat-be-tong.jpg
Nhà máy sản xuất bê tông tại Cụm công nghiệp Nam Hà 2 (Đức Linh).

Khó khăn do đại dịch Covid - 19

Không thể phủ nhận, tác động tiêu cực từ Covid - 19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cụm công nghiệp, nhất là trong năm 2021 với đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài. Trước bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, năm vừa qua địa phương chỉ thu hút được 3 dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận. Bao gồm: Nhà máy sản xuất nước mắm (Cụm công nghiệp Phú Hài), Nhà máy sản xuất bê tông (Cụm công nghiệp Nam Hà 2) và Nhà máy sản xuất các loại bóp, ví, cặp, va - li, ba - lô, túi xách, dây thắt lưng bằng vải da (Cụm công nghiệp Nghị Đức)… Tính đến nay, toàn tỉnh có 23 cụm công nghiệp xúc tiến mời gọi thu hút, bố trí khoảng 173 dự án đầu tư với tổng diện tích hơn 268 ha và chiếm gần 36% diện tích đất công nghiệp. Dù vậy nhờ đó cũng tham gia giải quyết việc làm cho 8.250 lao động cũng như góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đóng góp thêm nguồn ngân sách cho địa phương.

Trong khi đó, công tác đầu tư cụm công nghiệp trong thời gian qua cũng gặp nhiều hạn chế, khiến một số trường hợp được thành lập, triển khai còn chậm trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chưa được đồng bộ. Và cũng vì dịch Covid - 19 tiếp tục bùng phát mạnh trên thế giới lẫn trong nước, nên một số chủ đầu tư hạ tầng gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Theo Sở Công Thương, kinh phí đầu tư cụm công nghiệp trong năm 2021 chủ yếu chi cho lập hồ sơ, đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng với giá trị thực hiện khoảng 90 tỷ đồng. Cụ thể là tại Cụm công nghiệp Nam Hà 2, Đông Hà, Tân Bình 1, Nghĩa Hòa đã tiến hành san lấp mặt bằng, thi công đường giao thông nội bộ, cống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải…

Đề xuất giải pháp gỡ vướng

Tìm hiểu được biết đến nay 15 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư là doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp do Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp Phan Thiết làm chủ đầu tư, còn lại 20 cụm chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên dù có hay chưa có chủ đầu tư hạ tầng, các cụm công nghiệp tại Bình Thuận cũng cần được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

Trong đó Cụm công nghiệp Phú Long (Hàm Thuận Bắc) do Công ty TNHH May xuất khẩu Phan Thiết làm chủ đầu tư hạ tầng hiện vướng mắc về giải tỏa mặt bằng, bởi người dân chưa đồng thuận đơn giá đền bù. Còn Cụm công nghiệp Thắng Hải 2 và 3 (Hàm Tân) đang gặp khó trong kêu gọi thu hút đầu tư do việc đầu tư nhà máy chế biến phải phù hợp quy hoạch khai thác, chế biến titan được Thủ tướng phê duyệt. Thế nên Công ty cổ phần Louis Land (trước do Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Bảo Thư là chủ đầu tư hạ tầng) cần hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý chuyển đổi pháp nhân và được sở, ngành hướng liên quan dẫn thủ tục xin điều chỉnh, bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư của cụm công nghiệp… Đối với một số cụm công nghiệp chậm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng như Sông Bình (Bắc Bình), Tân Bình 1 (La Gi), Nghĩa Hòa (Hàm Tân) thì đề nghị chủ đầu tư có kế hoạch chi tiết và cam kết tiến độ thực hiện gửi Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND cấp huyện để theo dõi, giám sát. Trường hợp chủ đầu tư hạ tầng không thực hiện theo cam kết tiến độ mà không có lý do chính đáng sẽ tham mưu cấp thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của luật đầu tư…

Riêng các trường hợp chưa có chủ đầu tư hạ tầng, thời gian qua việc triển khai thủ tục thành lập cụm công nghiệp cũng gặp vướng mắc, kéo dài làm ảnh hưởng công tác đầu tư hạ tầng lẫn thu hút dự án thứ cấp. Do vậy sở chức năng kiến nghị rà soát, xác định nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho từng trường hợp. Sau đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phần diện tích này để có thể thực hiện dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp… Trong trường hợp ngân sách tỉnh không bố trí được kinh phí, không đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp trong quy hoạch đang kêu gọi đầu tư thì UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu giải quyết thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng theo quy định hiện hành.

QUỐC TÍN

Related articles
Ngành vận tải thêm khó khăn
Mấy hôm nay các nhà xe khá rôm rả khi bàn chuyện Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 35.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế, trong đó có một phần dành hỗ trợ lãi suất ngân hàng 2%/năm trong 2 năm 2022 và 2023. Hầu hết các nhà xe đều vui ra mặt khi sắp được hỗ trợ lãi suất vì gần như 100% nhà xe đều vay vốn ngân hàng để đầu tư.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận: Còn khó khăn, vướng mắc