Theo đó, xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Bình – thuyền trưởng (SN 1977, Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang) và ông Nguyễn Văn Việt - thuyền trưởng (SN 1975, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Cả 2 trường hợp này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong giấy phép khai thác thủy sản; Thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định. Tổng mức xử phạt là 94 triệu đồng/người và tịch thu toàn bộ ngư cụ khai thác thủy sản, được áp dụng mức phạt tiền trung bình khung tiền phạt đối với cá nhân theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 21; điểm b khoản 3 Điều 23 và điểm a khoản 3 Điều 38 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ.
Được biết, Nghị định 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực thủy sản. So với nghị định cũ, Nghị định 38 tăng thời hiệu xử phạt vi phạm là 2 năm (nghị định cũ là 1 năm). Tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định, hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trên tàu, hoặc không có thiết bị VMS trên tàu có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng, nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá đồng thời và không đồng thời là thuyền trưởng.
Ngoài ra, tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác theo quy định hoặc báo cáo sai quy định sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng. Hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng…