Phát huy tinh thần chiến thắng Bình Giã trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

02/12/2024, 05:28

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 – 2/12/2024) là dịp quan trọng để ôn lại trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc mà còn là bài học về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của quân và dân ta.

Ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Bình Giã diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go nhất. Sau thất bại của kế hoạch bình định và “Chiến tranh đặc biệt” do Mỹ đề xướng, quân và dân ta đã có những bước tiến quan trọng trong việc phản công và giành thắng lợi. Trong đó, chiến thắng Bình Giã là một trong những trận đánh tiêu biểu của quân Giải phóng miền Nam, không chỉ mang ý nghĩa chiến thuật mà còn là sự khẳng định rõ ràng về sức mạnh quân sự, ý chí và trí tuệ của cách mạng Việt Nam.

img_7392.jpeg
Tượng đài chiến thắng Bình Giã, quốc lộ 56, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trận Bình Giã kéo dài từ cuối tháng 12 năm 1964 đến đầu tháng 1/1965 tại địa bàn Bình Giã, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Theo đó, từ cuối năm 1964, để cứu vãn sự thất bại của quân đội Sài Gòn, Mỹ và chính quyền tay sai gấp rút triển khai kế hoạch bình định có trọng điểm, tổ chức khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự. Mỗi chi khu có từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn bảo an đóng giữ; riêng “ấp chiến lược” Bình Giã, địch tổ chức lực lượng riêng để bảo vệ, chống phá ta quyết liệt. Do tính chất quan trọng của tỉnh Bà Rịa, nên địch ra sức củng cố để tạo thành thế phòng thủ án ngữ mặt phía Bắc và Đông Bắc, bảo vệ căn cứ hải quân Vũng Tàu.

Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và phương hướng hoạt động tác chiến Đông Xuân 1964-1965, đầu tháng 11/1964, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công địch tại khu vực Bình Giã - Đức Thạnh - Đường số 2 (cách Sài Gòn 70 km về phía đông), trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và nam tỉnh Bình Thuận) với diện tích gần 500km2, trong đó xác định hướng chủ yếu là Bà Rịa - Long Khánh, hướng phối hợp là Nhơn Trạch, Long Thành (Biên Hòa) và Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Thuận) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá kế hoạch bình định trọng điểm của ngụy quyền Sài Gòn, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy phá “ấp chiến lược”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ cách mạng.

Chiến dịch được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 diễn ra từ ngày 2 đến 17/12/1964; đợt 2 diễn ra từ ngày 27/12/1964 đến 3/1/1965. Kết quả, ta loại hơn 1.700 địch (bắt 293), trong đó diệt Tiểu đoàn Biệt động quân 33, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 4 và 1 chi đoàn thiết giáp M113; đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân, 7 đại đội bảo an; làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá hủy và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là M113), bắn rơi, bắn cháy, bắn hỏng 56 máy bay các loại, thu hơn 1.000 súng và gần 100 máy thông tin các loại; phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược” ven đường số 2 và đường số 15, giải phóng vùng ven Hàm Tân và toàn bộ huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hát Dịch (Bà Rịa) nối liền với Chiến khu Đ và căn cứ Bình Thuận, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biển.

Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, buộc đối phương phải thay đổi chiến lược, từ đó góp phần tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến.

Nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, dự báo tình hình thế giới, khu vực trong những năm tới có nhiều thay đổi phức tạp, khó lường, khó dự báo, tác động đến sự ổn định của thế giới, khu vực và mỗi quốc gia. Trong nước kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó cần tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học, kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Bình Giã và các trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong chiến tranh giải phóng dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Cùng với đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tập trung chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống…

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

KIM ANH

Related articles
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (2& 5/8/1964 – 2& 5/8/2024): Mốc son có ý nghĩa quan trọng
Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy tinh thần chiến thắng Bình Giã trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc