Phan Lâm là xã vùng cao của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đây là xã gần như duy nhất của tỉnh có tổ chức dân cư cấp cơ sở không gọi bằng thôn mà là Tổ tự quản. Theo đó, hiện xã có 6 Tổ tự quản, với gần 640 hộ, hơn 2.582 nhân khẩu.
Trước kia, vào những năm 2009 khi khởi công Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, công trình thủy lợi đầu tiên của Việt Nam được tài trợ bằng vốn vay ODA của Nhật Bản. Với mục đích là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác, trong đó cấp nước tưới trực tiếp cho 10.500 ha, bổ sung nguồn nước tưới 5.200 ha đất của các xã thuộc huyện Bắc Bình. Phan Lâm có dân số ít hơn hiện nay, chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, K'ho, Chăm, Nùng, Châu Ro, Chu Ru, chứ không phải như bây giờ có nhiều người Kinh và các dân tộc khác đến sinh sống.
Việc triển khai dự án trên buộc nhiều hộ dân Phan Lâm bao gồm Phan Sơn lân cận phải chuyển chỗ ở, nên theo đó các khu tái định cư hình thành. Trong số có khu tái định cư ở trung tâm xã Phan Lâm, nơi có trường, trạm, chợ… thuộc Tổ tự quản số 1 hiện nay.
Nhưng, chợ - nơi trao đổi hàng hóa nằm ở vị trí đắc địa, ngay ngã ba quốc lộ 28B rẽ vào UBND xã thuận lợi cho người dân và tiểu thương kinh doanh, không có người vào buôn bán do người đồng bào quen với tự cung tự cấp. Nông sản hoặc sản phẩm nông nghiệp làm ra bán cho thương lái vào tận nhà thu mua hoặc mang đến cửa hàng của Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh.
Những năm gần đây, dân số đông lên, tưởng chợ phát huy được công năng, nhưng vẫn vắng bóng người, mùa mưa thành ao nước. Bà Minh Dậu, quê Thanh Hóa đến Phan Lâm lập nghiệp cho biết, so với địa phương khác, dân số Phan Lâm chưa đông, họ cần gì thì ra các tiệm tạp hóa ngoài QL28B mua. Các tiệm này đầy đủ nhu yếu phẩm cũng như các mặt hàng tươi sống. Không ai vào chợ buôn bán vì nhà nào cũng nằm ở mặt đường trong khu tái định cư, có muốn bán cái gì họ bán cho các tiệm tạp hóa, rồi ngược lại mua về những thứ cần thiết.
Việc kinh doanh buôn bán ở mặt đường QL28B thuận tiện, nhưng mất an toàn giao thông, UBND xã Phan Lâm đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp mới chợ để người dân vào kinh doanh, buôn bán hạn chế tập trung đông người trên quốc lộ đoạn qua xã. Điều này phù hợp với chủ trương của tỉnh khi đang thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là Phan Lâm đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong giai đoạn tới. Ông Mang Nhu - Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cho biết, chợ Phan Lâm nằm trong kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2021 – 2025. Nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và huy động các nguồn lực hợp pháp khác trên địa bàn huyện. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2,6 tỷ đồng, xã cũng đã lập tờ trình thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng chợ gửi Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Bình, công trình sửa chữa, nâng cấp chợ Phan Lâm thuộc UBND xã Phan Lâm làm chủ đầu tư. Cuối năm 2024, Phòng đã nhận được tờ trình của UBND xã Phan Lâm đề nghị thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng chợ Phan Lâm. Căn cứ vào Luật Xây dựng và các văn bản khác có liên quan của Chính phủ, của Bộ Xây dựng, Phòng Kinh tế - hạ tầng đã thẩm định và đã có kết quả gửi cho UBND xã Phan Lâm.
Ông Nhu thông tin thêm, hiện xã đang hoàn thiện các bước tiếp theo bao gồm phối hợp đơn vị tư vấn, thiết kế lập dự toán, thẩm tra thiết kế và chỉ định thầu hoặc đấu thầu thi công xây dựng chợ, sớm triển khai xây dựng thời gian tới. Đến nay có khoảng 5 – 6 hộ đăng ký vào chợ kinh doanh... Khi chợ đi vào hoạt động sau khi hoàn thành, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân tập trung vào chợ buôn bán, ông Nhu nói thêm.