Phản biện dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”

15/07/2024, 15:57

BTO-Sáng 15/7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” (gọi tắt đề án). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII; Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật; Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện MTTQ các huyện, thị xã, thành phố.

7beb7a37-492c-4596-a146-480d7fb59147.jpeg
05274340-788d-4e42-a3a2-110da0a01e40.jpeg
Tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Vấn đề lớn cần quan tâm của con người Bình Thuận hiện nay là hiện tượng lệch lạc về chuẩn mực giá trị con người ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, các biểu hiện phi truyền thống văn hóa có dấu hiệu tăng dần.

Thực trạng và xu hướng biến đổi các chuẩn mực giá trị văn hóa, gia đình con người Bình Thuận hiện nay là sự suy giảm, thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống; là sự mai một, phai nhạt, suy thoái một số giá trị vốn được coi trọng. Như một bộ phận người dân còn tham gia vào các tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng; tình trạng vi phạm, xuống cấp về đạo đức, lối sống có xu hướng ngày càng phổ biến và đáng lo ngại.

Môi trường văn hóa có những lúc, những nơi chưa thực sự lành mạnh, tình trạng bạo lực gia đình, khiếu kiện, tranh chấp tài sản, đất đai trong gia đình và dòng tộc; anh chị em trong gia đình, dòng tộc thiếu sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau... Để địa phương phát triển bền vững, chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận giữ được các giá trị chân - thiện - mỹ, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc thì mỗi cá nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những tồn tại, hạn chế nêu trên. Do đó, xây dựng chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài.

016bbca9-de95-48d1-9396-2adf98a8107c.jpeg
Bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những mặt được của đề án, đó là việc xây dựng đề án là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt trong chiến lược xây dựng tỉnh nhà, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đề án được ban hành sẽ tác động tích cực, có ý nghĩa to lớn, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng gia đình và con người Bình Thuận phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, xây dựng và hiện thực hóa những giá trị tốt đẹp. Có đề án sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương, nhất là các cơ quan chuyên môn triển khai đúng hướng trên cơ sở đã hoạch định trước một cách khoa học và thực tiễn...

f8352b87-b6b8-4470-a4c3-cdfb1a98de4c.jpeg
2e911c68-fc62-4fc5-8b27-16a1719f0c14.jpeg
Các đại biểu tham gia phản biện dự thảo đề án

Bên cạnh những mặt được, các đại biểu đã nêu một số hạn chế chung của đề án. Cụ thể, trước khi đề ra những chuẩn mực phù hợp với thời kỳ mới, đề án cần phải đánh giá hoặc phải có căn cứ, số liệu cụ thể để đánh giá hiện trạng về gia đình, con người Bình Thuận hiện nay như thế nào ? Các tiêu chí về gia đình, về con người đang ở mức độ nào, sự lệch chuẩn hiện nay ra sao để có cơ sở xây dựng các tiêu chí mới cho phù hợp và sát với thực trạng hơn.

Trong đề án phần đánh giá thực trạng chỉ nêu chung chung những yếu kém, tồn tại như bất kỳ ở địa phương nào?. Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ thêm bản sắc, đặc trưng nổi bật và sự khác biệt của văn hóa, con người Bình Thuận để từ đó xác định hình thành chuẩn mực văn hóa con người Bình Thuận cho phù hợp, đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu và mang tính khả thi hơn. Cần xác định rõ những nhiệm vụ, những việc cần thực hiện ngay trong từng năm và theo từng giai đoạn?. Cần bổ sung thêm các nội dung trọng tâm, điểm nhấn về văn hóa, con người Bình Thuận để đầu tư phát triển, xây dựng hình ảnh, giá trị chuẩn mực của con người Bình Thuận. Từ đó, mới có cơ sở để theo dõi, báo cáo đánh giá kết quả hàng năm...

Sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến phản biện của các đại biểu đối với dự thảo “Đề án chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đơn vị xây dựng dự thảo đề án nghiên cứu, tổng hợp đưa vào dự thảo.

THANH THUỶ

Related articles
Phản biện xã hội dự thảo “Đề án Phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”
Sáng 25/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án Phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bố Thị Xuân Linh và Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Thị Vi Vân chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành liên quan và đại diện Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các chuyên gia...

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản biện dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”