Ô nhiễm nguồn nước khu vực giáp ranh Bình Thuận – Đồng Nai: Cần tăng cường giám sát, xử lý

16/03/2016, 08:09

BT- Trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với xã Tân Đức, huyện Hàm Tân hiện có 2 cơ sở chế biến tinh bột mì Thành Tâm và nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm hoạt động. Từ năm 2008 đến nay, người dân thường xuyên phản ánh 2 cơ sở này xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Giêng và sông Dinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 117.000 dân (hai xã Tân Hà và Tân Xuân, một phần thị trấn Tân Minh thuộc huyện Hàm Tân, thị xã La Gi) và gần 10.000 phạm nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc Trại giam Z30D. Thời gian qua, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cùng chính quyền địa phương khu vực giáp ranh giải quyết, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt phía hạ lưu.

Thực tế, do các lưu vực sông nằm trên địa bàn 2 tỉnh nên việc điều tra, đánh giá các nguồn ô nhiễm để phân vùng quản lý còn nhiều khó khăn. Năm 2011, UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường điều tra đánh giá các nguồn gây ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông giáp ranh giữa 2 tỉnh. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa hồi đáp và có hướng giải quyết. Ngày 31/12/2015, Đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Tổng cục VIII (Tổng cục Thi hành án), Bộ Công an làm trưởng đoàn chủ trì phối hợp với Trại giam Thủ Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường 2 tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh và bàn biện pháp phối hợp giải quyết. Qua khảo sát và làm việc, đoàn đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND 2 tỉnh để chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh, đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát các nguồn gây ô nhiễm đối với 3 lưu vực sông. Từ đó, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường sớm tổ chức điều tra, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm và phần vùng quản lý môi trường tại lưu vực sông.

Mới đây nhất, UBND tỉnh có văn bản gởi UBND tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Hàm Tân. Theo đó UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi thường xuyên chất lượng nước ở sông Ui, Suối Rùa, Suối Tượng, Công ty TNHH sản xuất bột mì Thành Tâm và Công ty cồn Tùng Lâm trong năm 2016 để có giải pháp lâu dài, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng hạ lưu sông Ui, sông Giêng và sông Dinh phía Bình Thuận. Đồng thời giao Công an tỉnh phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải không đạt chuẩn cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước đối với 2 công ty nói trên theo quy chế phối hợp của công an 2 tỉnh. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Hàm Tân và xã Tân Đức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến nguồn nước sông Giêng và sông Dinh để kịp thời phối hợp xử lý. Trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình gây ô nhiễm của 2 công ty.

PHÚC SINH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm nguồn nước khu vực giáp ranh Bình Thuận – Đồng Nai: Cần tăng cường giám sát, xử lý