Nông thôn mới Hàm Thuận Nam - Khi người dân làm chủ

09/12/2022, 05:29

3 hội cộng đồng ngư dân ở 3 xã ven biển của Hàm Thuận Nam ra đời trong sự sáng tạo lẫn vận dụng quy định linh hoạt của chính quyền, đã nâng quyền làm chủ của ngư dân ở đây lên một bước. Trong khi đó, người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng phát huy quyền làm chủ qua nhiều việc, ví dụ ở xã Tân Thuận.

3 hội cộng đồng ngư dân đặc biệt

Làm chủ vùng biển được giao

Đến giờ này, sau gần 15 năm đề xuất giao cho cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý được quyền nuôi, bảo vệ, phát triển nguồn lợi sò lông, những nông dân mạnh dạn viết đơn gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam khi ấy cũng không ngờ ý tưởng của mình đã trở thành hiện thực chừng ấy. Từ 1 xã, hội cộng đồng ngư dân đã phát triển thêm ở 2 xã ven biển khác của huyện và hoạt động đến nay. Thêm nữa, ngày 22/12 tới, sẽ diễn ra lễ khởi công thả phao đánh dấu vùng biển đồng quản lý. Phao này có thể ví như hàng rào góp phần ngăn chặn các tàu thuyền nơi khác đến vùng biển mà 3 hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận đang quản lý để đánh bắt trộm hải sản. Đây vốn là vấn đề lo lắng của 3 hội lâu nay nên một khi khắc phục được sẽ thêm động lực cho những ngư dân hoạt động tốt hơn vai trò được giao.

ven-bo.jpg

Hàng năm, các hội tập trung vào 7 hoạt động như tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về đồng quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuần tra bảo vệ nguồn lợi bình quân trong một năm trên vùng biển được giao quyền; thả giống tái tạo nguồn lợi; tổ chức hoạt động, khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch, giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý... Mục đích của các hội là tập hợp, đoàn kết cộng đồng; huy động và phát huy vai trò người dân tham gia tổ chức khai thác, bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài và bền vững; phát triển, ổn định cuộc sống và nâng cao sinh kế cho ngư dân thành viên; lưu giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống nghề cá tại địa phương. Vì vậy, thời gian qua, mỗi hội cộng đồng ngư dân đều có những nỗ lực riêng trong hoạt động và cũng đạt những kết quả kinh tế nhất định trong khai thác thủy sản, tổ chức dịch vụ du lịch… Chính nhờ có sự hiện diện của 3 hội cộng đồng ngư dân này đã góp phần giúp 3 xã ven biển đạt tiêu chí số 13, ở tiểu tiêu chí về làng nghề.

Bước chuyển vai trò, chức năng

Nhìn lại sự hình thành của 3 hội cộng đồng ngư dân ở Hàm Thuận Nam cho thấy mong muốn rất rõ của chính quyền vào thời điểm ban đầu ấy. Đó là những ngư dân đang sinh sống trong cộng đồng dân cư ven biển cần được tập hợp trong một tổ chức có địa vị pháp lý, có tư cách pháp nhân để được chính quyền giao quyền quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp lý hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể và thống nhất về mô hình tổ chức cộng đồng. Vì vậy, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã vận dụng Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để triển khai việc thành lập tổ chức các hội cộng đồng ngư dân.

Thuở “bình minh” của sự hình thành này ghi nhận rõ sự nâng đỡ của huyện, Chi cục Thủy sản tỉnh và cả sự tài trợ kinh phí từ chương trình UNDP/GEF SGP để hình thành dự án xây dựng mô hình thí điểm sò lông và trong khuôn khổ đó, mới tiến đến hình thành “Hội cộng đồng ngư dân quản lý và khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý”. Từ sự thành công đó, chương trình UNDP/GEF SGP tiếp tục tài trợ thực hiện dự án, để rồi 2 hội cộng đồng ngư dân Tân Thành, Thuận Quý lần lượt thành lập trong cùng năm 2018. Cả 3 hội cộng đồng ngư dân này trở thành những mô hình đầu tiên thực hiện công nhận, giao quyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong cả nước nên thu hút sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì trong chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản, đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để tổ chức lại sản xuất, bảo vệ nguồn lợi theo hướng bền vững. Và thực tế, theo thời gian, hoạt động của các hội cũng đã bộc lộ những bất cập. Vì vậy, năm 2022, trong khuôn khổ của dự án “Thiết kế cơ chế tài chính để bảo tồn trong đồng quản lý nghề cá” do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận chủ trì thực hiện, nhóm chuyên gia dự án tiến hành hoạt động “Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận”. Qua đó, đề xuất nên tập hợp các hội này dưới sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Hội nghề cá tỉnh, như là những hội viên tập thể. Từ đó, các hội sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai hoạt động, phát triển tổ chức vững mạnh.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Hàm Tân: Tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2022
Đảng ủy – Ban CHQS huyện Hàm Tân vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2022. Dự hội nghị có Đại tá Nguyễn Tuấn Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông thôn mới Hàm Thuận Nam - Khi người dân làm chủ