Được khen trên mạng xã hội
Đầu tháng 7/2024, Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực thi hành, đây cũng là lúc Công an TP.Phan Thiết triển khai tổ chức cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) theo luật mới, trong đó có quy định cấp căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và từ 16 tuổi trở lên. Trong những ngày đó, khu vực cấp thẻ của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH lúc nào cũng đông người dân đến làm; nhất là các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi từ dưới 6 tuổi đến dưới 14 tuổi. Khu vực làm CCCD được bố trí đầy đủ ghế ngồi; các thiết bị máy móc phục vụ cho việc thu nhận hồ sơ như máy đọc vân tay, mống mắt… và đặc biệt là sự hiện diện của những nữ chiến sĩ công an.
Luật Căn cước quy định nhiều điểm mới, trong đó có quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt; trong đó trẻ dưới 14 tuổi thì mống mắt còn nhỏ nên rất khó lấy, nhiều khi máy khó nhận diện và hay báo lỗi, những trường hợp như vậy đều được những nữ chiến sĩ công an hỗ trợ lấy đi lấy lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục. Không chỉ thực hiện cấp thẻ căn cước tại trụ sở Công an TP.Phan Thiết, những nữ chiến sĩ công an còn đến tận những trường mẫu giáo để làm thẻ căn cước cho các bé.
Hình ảnh những nữ chiến sĩ công an nhiệt tình hỗ trợ người dân được nhiều người tán thưởng và khen ngợi và cũng không ít người gọi đó là những “bóng hồng làm căn cước”. Không chỉ vậy, những hình ảnh đẹp trên được lan tỏa trên mạng xã hội và tạo ra sự chú ý của cộng đồng mạng kèm theo những lời bình luận tán thưởng về vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ công an trong đợt cao điểm cấp căn cước vừa qua.
Vừa “hồng” vừa “chuyên”
Đại úy Nguyễn Thị Trúc Nga chia sẻ, trước đó trong năm cũng đã trải qua nhiều đợt thực hiện cấp CCCD cho người dân, nên khi bước vào đợt cao điểm cấp căn cước theo Luật Căn cước thì mọi người trong đội ai cũng hiểu được những khó khăn và áp lực của công việc này, nên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như sắp xếp thời gian để có sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Trong đợt cao điểm, Đội phải tiếp nhận một lượng hồ sơ rất lớn, tránh để người dân chờ lâu thì buộc phải tăng cường thời gian làm không kể ngày đêm, thứ 7 và chủ nhật, vì vậy phải duy trì được sức khỏe để làm việc trong một thời gian dài như vậy. Trong khi đó về kiến thức thì do thời điểm đó Luật Căn cước mới có hiệu lực thi hành nên bản thân Đại úy Nga và cán bộ chiến sĩ trong đội phải nghiên cứu để nắm rõ các quy định, để thuần thục các thao tác trong việc thu nhận hồ sơ và chuyện làm việc tới 12 giờ đêm mới về nhà là chuyện bình thường. Ngoài ra, để công việc đạt hiệu quả thì cũng phải sắp xếp các công việc chuyên môn khác cho hợp lý để tránh bị tồn đọng.
Đối với Thiếu tá Phạm Thương Dung đã lập gia đình, trong khi thời điểm đó phải làm cả ngày, đêm và phải lo làm mẹ. Thiếu tá Dung cho biết, bản thân cố gắng cân đối trong việc của đơn vị và gia đình, may mắn ông xã làm cùng ngành nên có sự thấu hiểu, đồng thời có sự hỗ trợ của ông bà nội trong việc trông nom con nhỏ để yên tâm công tác. Thiếu tá Dung cũng chia sẻ, nữ công an thì sẽ có những thiệt thòi hơn so với nam công an, tuy nhiên với vai trò là một người chiến sĩ công an nhân dân thì tất cả những khó khăn đều phải vượt qua.
Với tinh thần làm việc hăng say, không biết mệt mỏi, những “bóng hồng” làm CCCD trong đợt cao điểm cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước vừa qua xứng đáng là những người nữ chiến sĩ công an nhân dân vừa “hồng” vừa “chuyên”...
Theo số liệu của Đội Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an TP.Phan Thiết, trong năm 2024 đã cấp hơn 3.100 CCCD; công tác cấp mới căn cước theo Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hơn 10.000 trường hợp…