Như mẹ hiền

01/11/2024, 05:47

Hồi học phổ thông tôi đã từng nghe câu “Lương y như từ mẫu”, đến khi thi vào đại học sư phạm, nhà trường ra đề văn nghị luận: “Lương sư hưng quốc”. Hồi ấy có suy nghĩ người ta dùng chữ “lương” (俍) theo từ điển có nghĩa là tốt đẹp, giỏi, khéo, để nói về hai đối tượng: Thầy thuốc và thầy giáo.

z4905436138240_9bee445f85da1d17d4e06ab17a2e61f8-e1701400418554.jpg

Nhưng chữ “lương” ở hai đối tượng trên rẽ sang hai hướng. Ông thầy thuốc giỏi (lương y), tôi gọi “ông” bởi ngày xưa thầy thuốc chủ yếu là đàn ông đảm nhiệm, nếu được thừa nhận đúng nghĩa danh hiệu “lương y” thì phải chuyển vai chăm sóc bệnh nhân giống như mẹ hiền (từ mẫu) chăm con. Nói đến chuyển vai thầy thuốc gợi tôi nhớ đến lá thư của Hồ Chủ tịch gửi cho Hội nghị quân y năm 1948 có đoạn: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền… Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”(*). Ở đây Bác Hồ nhấn mạnh: “kiêm từ mẫu”, “phải là” – chứ không phải nằm trong vế so sánh “như từ mẫu”, có nghĩa đã là thầy thuốc phải đảm nhận trách nhiệm hai vai. Còn ông thầy giáo giỏi thì làm cho hưng quốc (hưng (兴) có nghĩa là phát triển, thịnh vượng, phát đạt. Nói theo khẩu hiệu ngày nay là làm cho dân giàu, nước mạnh). Một thầy chăm lo sức khỏe cho nhân dân, thân thể có khỏe mạnh thì trí tuệ mới phát triển. Đó là nhận thức mang tính chân lý của loài người. Từ xưa, thành ngữ La-tinh có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” (Mens sana in corpore sano). Nghề y không chỉ dừng lại ở chữa bệnh khi con người đau yếu mà còn giúp cho mọi người phương pháp rèn luyện thân thể cường tráng. Một đất nước mọi người dân đều có thể lực cường tráng chắc chắn sẽ giúp cho tinh thần trí tuệ của dân tộc đó phát triển lành mạnh lên đỉnh cao. Có thể thấy hai ngành nghề y tế và giáo dục luôn gắn chặt nhau. Trên cơ sở chăm sóc sức khỏe để người dân có thể lực mạnh mẽ là làm nền tảng tiếp sức cho giáo dục bồi dưỡng nâng cao trình độ dân trí, để phát hiện bồi dưỡng nhân tài. Nhân tài là yếu tố cốt lõi để gìn giữ và phát triển quốc gia dân tộc. Cách đây 540 năm (1484 – 2024), Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký khắc lên bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám, có câu nói và đoạn văn nổi tếng mà học trò ngày nay em nào cũng biết, bởi bài ký đã trích dẫn đưa vào sách giáo khoa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”. Có được hiền tài là nhờ có “lương sư”, nên mới đúc kết từ một thực tế: “Lương sư hưng quốc”. Từ xưa đã thấy vị trí của ông thầy thuốc giỏi và ông thầy giáo giỏi có vai trò cực kỳ quan trọng như thế đối với xã hội, với quốc gia dân tộc. Nhưng phải đi từ nền tảng giáo dục, có thầy giáo giỏi mới có thầy thuốc giỏi. Thế nên quốc gia nào trên thế giới người ta cũng xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Bây giờ chữ mẹ hiền không chỉ dành riêng cho thầy thuốc mà cho cả nghề giáo – cô giáo. Những bài hát luôn vang lên trên sóng phát thanh với giọng hát của cháu Xuân Mai và trong các lớp học từ mầm non đến tiểu học trên toàn quốc: “… Cô giáo như mẹ hiền/ Nuôi em dòng kiến thức/ Cô giáo như mẹ hiền/ Ngọt ngào câu ru hời/ Cô giáo như mẹ hiền/ Mong sao ngày em lớn/ Không quên điều đã học”… Về sau có bài hát xây dựng hình ảnh “Cô và mẹ” quyện vào nhau trong cảm nhận của học trò mầm non nghe thiết tha trìu mến: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền…”.

Trong cuộc sống người ta đặt vị trí và trách nhiệm cho hai nghề giáo dục và y tế với hai chữ “Mẹ hiền” thiêng liêng đến như vậy còn bởi niềm tin và lòng mơ ước. Thiêng liêng bởi “mẹ” là đấng sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con cái; “hiền” là tính từ biểu đạt hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu. Kết hợp hai chữ “mẹ hiền” là chỉ người chăm lo cho con cái từ vật chất đến tinh thần trong mọi hoàn cảnh, biết quan tâm đến cảm xúc, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ, dạy điều hay lẽ phải; bởi không ai hết, mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của con cái, có khi nghiêm khắc mà cũng hết sức bao dung tha thứ, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con. Mẹ hiền là hình ảnh người phụ nữ hoàn hảo trong mắt con, là hình mẫu lý tưởng để con noi theo. Tình cảm mẹ con là tình mẫu tử thiêng liêng nhất trên cõi đời này.

Đặt hai chữ “mẹ hiền” thiêng liêng ấy lên sự nghiệp và cuộc đời hành nghề của người đi dạy và người cứu chữa bệnh nghe rất vinh quang nhưng cũng hết sức nặng nề khôn tả. Nhìn vào thực trạng dạy học và việc chữa bệnh hiện nay trong xã hội, hình ảnh “như mẹ hiền” ấy vẫn còn ẩn hiện trong ước mơ đến một ngày hy vọng. Dẫu ngày thầy thuốc 27 tháng 2 đã qua, ngày nhà giáo 20 tháng 11 sắp đến, xin tri ân công sức của thầy cô trong cả hai nghề đã đem lại thể lực và tri thức cho muôn dân có được niềm vui và hạnh phúc trong hình bóng mẹ hiền.

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5.-H.Nxb CTQG, 2002.- tr.395.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Tuổi trẻ Tuy Phong trồng hơn 5.450 cây xanh
BTO- Huyện đoàn Tuy Phong cho biết, trong năm 2024 đã phối hợp với các cơ sở Đoàn - Hội đã tổ chức trồng 5.451 cây xanh, với tổng số tiền khoảng 32 triệu đồng hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi đoàn viên thanh niên một cây xanh tình nguyện” do Tỉnh đoàn phát động.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Như mẹ hiền