Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

23/04/2018, 08:28

BT-  “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba/Dù ai buôn bán gần xa/Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười”.

Câu ca trên là sự khẳng định đồng thời là lời nhắc nhở cho các thế hệ con cháu người Việt về lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã có công dựng nước, từ sự hình thành 15 bộ lạc Lạc Việt cho đến khi thành lập Nhà nước Văn Lang, mở ra thời đại các vua Hùng, với 18 vị vua. Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như tiến trình phát triển của đất nước, từ đó nền tảng văn hiến và truyền thống giữ nước vẻ vang của dân tộc được hình thành và đã được chứng minh trong suốt bề dày của lịch sử.

Từ nhiều đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam luôn hướng tới một điểm tựa của tinh thần văn hóa là lễ hội Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương - ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, đã in đậm trong cõi tâm linh của con dân đất Việt. Ghi nhớ công ơn của các vua Hùng có công khai thiên lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên. Vinh dự hơn giỗ Tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi vào ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Theo kế hoạch, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018 do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức có mời thêm 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang đại diện cho các vùng, miền tham gia; thời gian tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 21 đến 25/4 (tức từ ngày 6 đến ngày 10/3 âm lịch). Trước đó vào năm 2016, Bình Thuận cũng vinh dự được mời tham gia giỗ Tổ tại Phú Thọ cùng với các tỉnh Hưng Yên, Cà Mau với sự chủ trì của tỉnh Phú Thọ.

Tại Bình Thuận, với lòng thành kính và biết ơn các vị vua Hùng, nhân dân một số địa phương trong tỉnh đã có những công trình thờ tự Hùng Vương và duy trì việc giỗ Tổ hàng năm, nhưng hoạt động thờ cúng đặc sắc và tiêu biểu nhất là tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Trong những năm qua, đền thờ là địa điểm tâm linh quan trọng của người dân trong vùng. Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương cùng Ban quản lý đền tổ chức nhiều nghi lễ như cung nghinh tiền hiền, rước kiệu, lễ dâng hương, tế sơ cổ lễ, cầu an, cầu siêu, nghi lễ Đại tế - Cổ lễ cùng các hoạt động văn hóa, thể thao vào hai ngày mùng 9 và 10 tháng 3 âm lịch theo tập tục của người dân sở tại.

Năm 2018, thể theo nguyện vọng của nhân dân và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Tổ chức giỗ Tổ các vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong”. Việc tổ chức, phục dựng lễ hội năm nay sẽ được nâng từ hoạt động có tính chất riêng lẻ theo tập tục của người dân địa phương lên xứng tầm với lễ hội chung của tỉnh, phù hợp với tập tục và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo đó, đối với phần lễ phục dựng toàn diện cả về nội dung, hình thức, thời gian, không gian, diễn trình, lễ vật, cách thức thực hiện bảo đảm trang nghiêm, thành kính. Phần hội khôi phục và tổ chức các trò chơi, trò diễn, hội thi phù hợp, hấp dẫn có sức thu hút nhiều người tạo không khí phấn khởi, vui tươi, đoàn kết.

Giỗ Tổ tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa năm 2018 sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày 25/4/2018) với sự tham gia của nhiều lãnh đạo tỉnh, địa phương, đại diện một số dân tộc, tôn giáo, Ban quản lý Đền thờ Hùng Vương, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thân hào, nhân sĩ… Đặc biệt tạo điều kiện cho nhân dân tỉnh nhà được dâng hương, tưởng niệm các vua Hùng; góp phần giáo dục về lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

T.N


Related articles

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba