Nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới

23/06/2022, 05:27

Tại huyện Tuy Phong, nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được xây dựng phù hợp với thực tế của địa phương góp phần giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và tăng thu nhập.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Không khó để bắt gặp những nhà lưới bao phủ cả vườn táo xanh khi đặt chân đến Tuy Phong. Táo Tuy Phong được ưa chuộng bởi nhờ thổ nhưỡng đất đá quánh, đá vôi nên độ giòn, ngọt cũng rất riêng. Toàn huyện có khoảng 50 ha, trước đây chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống năng suất thấp do nhiều loại côn trùng, sâu bệnh gây hại. Xã Phong Phú chiếm phần lớn diện tích táo toàn huyện với khoảng 30 ha táo. Cây táo phá thế độc canh cây lúa ở xã vùng cao này, trở thành cây trồng lợi thế cho thu nhập ổn định, nhiều nông dân khấm khá.

Giống nho Hồng Nhật cho năng suất hiệu quả.

Anh Võ Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Phú cho hay: Từ khi áp dụng trồng táo trong nhà lưới không bị côn trùng như ruồi đục trái, phấn trắng, rệp... gây hại nên giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái căng bóng, giòn ngọt được thị trường ngoài tỉnh biết đến. Hiện xã đã có 2 tổ phát triển cây táo thành lập với 30 hộ nông dân tham gia trao đổi kinh nghiệm, đang tập trung phát triển 17 ha táo đạt tiêu chuẩn VietGAP hướng đến phát triển bền vững. Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với Hội Nông dân xã Phong Phú hướng dẫn trồng táo nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun với diện tích 3 sào/3 hộ tham gia. Kết quả đánh giá mô hình đã giảm ruồi đục trái 60%, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật 40%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất 4,2 tấn/sào/năm, lợi nhuận tăng thêm khoảng 15-20% so với cách trồng truyền thống. Hiện phương pháp trồng này đã được nhân rộng 40 ha trong tổng số 50 ha táo toàn huyện ở 2 xã Phong Phú, Phú Lạc.

Đối với cây nho, những năm qua mô hình trồng và chăm sóc nho Hồng Nhật (NH01 – 152) và thâm canh cây nho mới theo hướng GAP liên kết chuỗi cho hiệu quả. Từ 2,5 ha giống nho Hồng Nhật trồng ban đầu vào cuối năm 2019 đến nay nhân rộng 15 ha và xu hướng phát triển thêm diện tích trong thời gian tới. Ngoài ra, các loại cây ăn trái khác từ mô hình trình diễn đến nay bước đầu đã được nhân rộng, góp phần đa dạng các loại cây trồng ở xã vùng cao như: Trồng bưởi da xanh, thâm canh dừa xen quýt, mãng cầu… Còn tại các hợp tác xã nông nghiệp Long Điền 1, Long Điền 2 và Long Hương từ khi thực hiện mô hình nhân giống lúa các đơn vị đã chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh lúa giống chất lượng cao. Nông dân biết sử dụng giống xác nhận thay cho lúa thương phẩm như trước đây. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa chất lượng, mô hình ứng dụng hệ thống thâm canh cải tiến SRI ngày càng nhân rộng. Nông dân vừa giảm chi phí sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập.

Cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân mô hình cải tạo đàn dê

Phát triển mô hình sản xuất theo hướng tập trung

Tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, từ nguồn kinh phí lồng ghép các nguồn vốn khoảng 13,1 tỷ đồng, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện 89 đề tài mô hình phát triển sản xuất cho 2.121 hộ dân tham gia. Theo ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, qua thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật động viên nông dân mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, tăng thu nhập và nhiều mô hình có sức lan tỏa nhân rộng như cải tạo giống dê, cừu, bò, trồng bưởi da xanh, trồng táo kết hợp tưới phun, trồng nho giống Hồng Nhật… Tuy nhiên, vẫn còn một số mô hình chưa thật sự hiệu quả, chỉ dừng lại ở khâu trình diễn, không được nhân rộng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Tuy Phong tập trung xây dựng các mô hình phát triển theo hướng tập trung, đưa một số giống cây trồng, vật nuôi mới có chất lượng, lợi thế phù hợp với từng vùng. Chú trọng, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, mô hình có hiệu quả là một chuyện, còn thị trường tiêu thụ vẫn là mong mỏi lớn nhất đối với nông dân. Cùng với sự nỗ lực của địa phương, các ngành liên quan của tỉnh trong quá trình chỉ đạo sản xuất trình diễn mô hình cần song hành giới thiệu kết nối các đơn vị doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông sản địa phương.

T.DUYÊN

Related articles
Cần xây dựng kè bảo vệ bờ biển, cảnh quan tại điểm du lịch
Nhiều năm qua, các địa phương ven biển tỉnh Bình Thuận phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực, thiệt hại tài sản do triều cường, sạt lở bờ biển gây ra.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới