Ngư dân Ba Đăng và ước mơ có cảng cá

15/08/2018, 09:01

BT- Ước mơ có cảng cá của ngư dân Ba Đăng chưa bao giờ tắt. Họ vẫn đang mơ và hình dung nơi đây hình thành nên một cảng cá để không còn lo nơi neo đậu tàu thuyền sau những chuyến vươn khơi.

Đời ngư dân nói chung vốn cực nhọc, đôi khi đánh cược với cả mạng sống trên biển, chỉ nở nụ cười sau mỗi chuyến trở về với đầy tôm cá. Nhưng ngư dân thôn Ba Đăng, xã Tân Hải (La Gi) thay vì vui sau những chuyến trở về, họ lại lo không biết neo đậu tàu thuyền nơi đâu cho an toàn vì cửa Ba Đăng luôn trong tình trạng bị bồi lấp... Phần lớn phải cập cảng La Gi, Kê Gà cách xa  gần 20 km, thuê người trông giữ không đảm bảo an toàn tài sản. Sống trong cảnh “người một nơi tài sản một nẻo” nhiều đời nay, ngư dân Ba Đăng luôn ước mơ có cảng để vơi đi nỗi lo.

 Không có niềm vui nào hơn…

Thôn Ba Đăng nằm bên cửa Ba Đăng - nơi điểm cuối cùng của dòng sông Phan (bắt nguồn từ xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh đến xã Tân Nghĩa, Hàm Tân đối sang hướng đông nam đổ ra biển Đông tại cửa Ba Đăng), thuộc vùng ngập lũ. Những ngày trời êm biển lặng, phần lớn ngư dân đã đi khơi, chỉ còn những cụ ông, cụ bà, phụ nữ ngồi đan lưới.

Ngư dân Ba Đăng khổ lắm, không có chỗ đậu tàu thuyền, phải đi gửi mãi cảng La Gi, ông Nguyễn Thành Được - một ngư dân nói khi gặp ông Mười (94 tuổi) - người được người dân trong thôn gán cho chức danh Già làng. Ông Được bảo: Chỉ có ông Mười biết rõ về nỗi mong ước có cảng cá neo đậu tàu thuyền của bao lớp thế hệ Ba Đăng.  Dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông Mười còn minh mẫn, ông cho biết: Người dân Ba Đăng sống nhờ vào nghề biển, nhưng nơi neo đậu tàu thuyền thì có cũng như không. Cửa Ba Đăng bị bồi lấp rất cạn, tàu thuyền hầu như không thể ra vào nhiều năm nay. Ba Đăng thuộc vùng ngập lũ trong diện phải di dời, nhưng có di dời thì cũng phải có chỗ neo đậu ghe thuyền. Mong Nhà nước sớm xây dựng ở đây một cái cảng cho ngư dân khỏi khổ…

Ngư dân Lê Ngọc Thành - chủ chiếc ghe BTh 1977 cho biết, hôm nay ngư dân đi biển hết rồi, chứ có ở nhà thì tập trung đông lắm. Họ chỉ cần nghe ai đó nói về xây dựng cảng là mừng muốn “rớt tim”… Có cảng cá neo đậu tàu thuyền, chúng tôi đỡ khổ và ít tốn kém. Hiện giờ cứ 1 tháng tốn 1 triệu đồng tiền gửi tàu thuyền ở cảng La Gi cho những gia đình sống gần cảng trông giữ. Cửa Ba Đăng lúc nào cũng trong tình trạng bồi lấp, cạn kiệt tàu thuyền không thể ra vào. Ai cũng mong muốn có cảng để thuận tiện hành nghề. Ngư dân Huỳnh Văn Trung cũng chia sẻ, cảng La Gi cách nhà tôi (Ba Đăng) khoảng 15 km, bình thường không có dông bão, nước lũ thì không sao, nhưng nếu có thì nửa đêm cũng phải chạy xuống cảng để kéo ghe vào. Người trông giữ tàu thuyền chỉ có nhiệm vụ giữ không để mất tài sản, việc ghe đứt dây trôi ra biển, họ không chịu trách nhiệm, nên khi cứ thấy họ gọi điện thông báo, ai nấy lo mà chạy đi vớt ghe. Nhiều người đã bị tai nạn vì lật đật chạy… nếu không ghe trôi ra biển. Chị Út  - con gái ông Được nói thêm vào, mùa bấc tàu thuyền không vào được cửa Ba Đăng, phải chạy lên cảng Kê Gà (cách Ba Đăng gần 20 km), gia đình mang xoong nồi đến đó nấu ăn và bán cá… khổ lắm, nếu ở đây có cảng ai cũng mừng, không có niềm vui nào hơn.

Đời ngư dân với bao nỗi lo, ngoài việc lo cơm áo gạo tiền thường nhật, lo mưa bão, tàu lạ… còn lo luồng lạch, cửa sông, cửa cảng bị bồi lấp, cạn ảnh hưởng việc lưu thông, hư hại tàu thuyền. Anh Thành cho biết, nhiều tàu thuyền đã bị cong chân vịt khi cố vào cửa Ba Đăng. Ngư dân năm nào cũng kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc nạo vét, đâu cũng vào đó…

 Tạo động lực vươn khơi

Trước thực trạng cửa Ba Đăng luôn trong tình trạng bị bồi lấp ảnh hưởng đến việc ra vào neo đậu của tàu thuyền, năm 2013 UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Doanh thương Việt Nhật thực hiện Dự án nạo vét luồng lạch sông Phan và cửa Ba Đăng bằng nguồn vốn của công ty và được sử dụng nguồn cát tận thu phục vụ nhu cầu cát xây dựng và san lấp mặt bằng trên địa bàn. Dù vậy, ngư dân vẫn không thể cho tàu thuyền vào neo đậu, phải gửi ở cảng La Gi cách trở. Ông Thành Được cho biết, năm nào tàu cũng hút nạo vét, nhưng được khoảng 1 tháng lại bồi lấp. Và cứ như vậy chúng tôi lại phải trình báo lên UBND xã. Ông cũng bức xúc hoài nghi rằng, có thể hút cát đưa đi nơi khác đã làm sa côn nên mới xảy ra tình trạng bồi nhanh…

Không có chỗ neo đậu tàu thuyền, ngư dân Ba Đăng luôn trong tình trạng bất an lo sợ tài sản (tàu thuyền) trị giá hơn tỷ bạc bị mất hoặc hư hỏng…Nếu cửa Ba Đăng xây dựng thành cảng nỗi lo này thay vào đó họ chuyên tâm vươn khơi bám biển. Hơn nữa, giảm tải cho cảng  cá La Gi - nơi tập trung nhiều tàu thuyền, không tránh khỏi việc va chạm làm hư hỏng tàu thuyền. Hiểu rõ nỗi khổ của ngư dân cũng như tình hình địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ: Thôn Ba Đăng nằm trong vùng lũ thuộc diện di dân, hiện đã di dời một số hộ… Dù vậy, địa phương mong ước xây dựng cảng Ba Đăng để ngư dân đưa tàu thuyền về neo đậu an toàn, không phải gửi tàu ở cảng La Gi tốn kém, đi lại vất vả. Địa phương có thêm nguồn thu, tăng ngân sách… Nếu xây dựng cảng ở đây sẽ giảm tải cho cảng cá La Gi. Phục vụ không chỉ ngư dân Tân Hải mà còn cả ngư dân Tân Tiến. Tạo động lực cho họ vươn khơi bám biển.

    
    Theo báo   cáo tình hình tàu thuyền trên địa bàn xã Tân Hải, tổng số tàu thuyền   trên toàn xã có 168 chiếc, so cùng kỳ năm ngoài tăng 12 chiếc, trong đó   có 49 chiếc tàu thuyền trên 90 CV trở lên.

Ninh Chinh - Ngọc Lân


Related articles

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (26/12)
La Gi thu ngân sách vượt dự toán; Táo xanh - hương vị nắng gió vươn xa; Nhân dân đồng tình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; Vì sao Tánh Linh hay bị thiên tai?; Cần làm rõ dấu hiệu lừa đảo qua “chạy” cấp phép mỏ khoáng sản?; Đức Linh: Sự quan trọng của tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới; Hội thảo mô hình “Sản xuất rau hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP”… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 26/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân Ba Đăng và ước mơ có cảng cá