Ngôi trường “thay áo mới”

14/11/2023, 05:17

Theo kế hoạch công trình sửa chữa 10 phòng học xuống cấp của Trường THCS Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) sẽ thi công hoàn thành vào đầu năm 2024. Thế nhưng, đến cuối tháng 10/2023 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Những ngày này các bậc phụ huynh sáng sớm chở con đến trường vẫn luôn dừng lại hồi lâu ngắm những dãy nhà cao tầng khang trang trong khuôn viên ngôi trường rộng hơn 4.000 m2. Chị Lê Thị Thảo, phụ huynh khối lớp 6 chia sẻ: “Trước đây ngôi trường cũ xuống cấp, hệ thống mương thoát nước cũ kỹ, hư hỏng mùa mưa sân trường ngập nước cục bộ nên ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Nay 10 phòng học của dãy nhà 2 tầng được sửa chữa nâng cấp, lát gạch sạch sẽ, khang trang, nhìn từ cổng vào ngôi trường thật đẹp, phụ huynh chúng tôi rất phấn khởi…”.

truong-hoc.jpg
Niềm vui trước ngôi trường mới.

Hàm Phú là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống xen ghép, đời sống người dân còn khó khăn. Nhiều năm nay cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục – đào tạo. Hiện toàn xã có hệ thống giáo dục từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, hàng năm có khả năng tiếp nhận gần 1.500 học sinh các cấp học. Riêng Trường THCS Hàm Phú có 18 lớp, thu nhận gần 600 học sinh mỗi năm. Những năm qua cơ sở vật chất của trường tuy được đầu tư đồng bộ, nhưng trang thiết bị còn thiếu nhiều. Ngoài phòng tin học có hệ thống máy vi tính tương đối đủ thì các phòng chức năng khác trang thiết bị còn hạn chế. Các phòng học được xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều năm nay đã xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, thời gian qua thầy và trò của Trường THCS Hàm Phú đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để có nhiều thành tích tốt trong công tác giảng dạy và học tập. Đồng thời, vận động các mạnh thường quân hàng năm trao tặng nhiều phần quà và học bổng cho học sinh nghèo để các em có điều kiện vươn lên trong học tập, rèn luyện. Trong học tập nhà trường luôn kết hợp tốt học lý thuyết đi đôi với thực hành; ngoài thời gian học chính khóa tại lớp nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan tìm hiểu về lịch sử, danh lam thắng cảnh địa phương để nâng cao sự hiểu biết, kiến thức cho học sinh về nhiều lĩnh vực.

Để tạo điều kiện cho thầy trò Trường THCS Hàm Phú nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bậc THCS của địa phương xã Hàm Phú, năm 2022 theo đề nghị của huyện Hàm Thuận Bắc, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư kinh phí 2.092,69 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết và một phần vốn ngân sách địa phương để nâng cấp, sửa chữa lại cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp nhiều năm. Theo đó, tháng 6/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt lựa chọn nhà thầu thi công công trình Trường THCS Hàm Phú, trong đó gói thầu xây lắp toàn bộ công trình có giá trị 1.713,66 triệu đồng và thời gian thực hiện 210 ngày. Dự án Trường THCS Hàm Phú, có quy mô đầu tư gồm: Sửa chữa khối 10 phòng học cũ (dãy nhà 2 tầng 1 trệt, 1 lầu) có diện tích sửa chữa 419,86 m2; tổng diện tích sàn sửa chữa 819,92 m2… Đến cuối tháng 10/2023 công trình sửa chữa Trường THCS Hàm Phú đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học của Trường THCS Hàm Phú.

N.H

Related articles
Nghề giáo - người chèo đò ngang
Người xưa từng nói: Nghề giáo là người chèo đò ngang, đưa khách qua sông, chuyến đò này nối tiếp chuyến đò kia, niềm vui và hạnh phúc vỡ òa sau một chuyến đò trọn vẹn. Người lính Cụ Hồ, thương binh Vương Khả Sơn tốt nghiệp khoa văn Đại học Vinh và anh đã chọn nghề giáo dạy môn văn, tại Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – một thời là tọa độ lửa, nơi trận chiến của 10 cô gái TNXP Ngã Ba Đồng Lộc bất tử.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi trường “thay áo mới”