Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác PCCC, từ đó cũng dấy lên các phong trào PCCC ở khắp nơi. Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày toàn dân PCCC”.
Tại Bình Thuận, thời gian qua công tác PCCC được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến xã triển khai mang lại nhiều kết quả quan trọng. Dù vậy, tình hình cháy vẫn xảy ra, có vụ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê, chỉ riêng từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 50 vụ cháy làm 4 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 120 tỷ đồng. Trong đó, có 9 vụ cháy nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm hơn 20% tổng số các vụ cháy), có vụ cháy xảy ra là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của con người, không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dẫn đến bùng phát thành đám cháy lớn, nghiêm trọng nhất là vụ cháy vào tháng 8/2023 tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết làm 4 người chết, 1 người bị thương. Thực trạng trên cho thấy công tác quản lý về lĩnh vực PCCC còn có những thiếu sót và việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC của người dân còn hạn chế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, công tác PCCC được tỉnh ta triển khai quyết liệt trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính. Quá trình đó, ngành chức năng, nòng cốt là lực lượng công an toàn tỉnh đã tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho từng người dân, từng hộ gia đình. Nội dung tập huấn đã thực sự chú trọng đến việc sử dụng các chiến thuật, kỹ thuật của người tham gia, nhờ vậy nâng cao khả năng xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố tai nạn một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân cùng tham gia chữa cháy, cứu nạn.
Qua đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, đến nay toàn tỉnh đã vận động xây dựng được 31 mô hình tự phòng, tự quản về PCCC, 656 mô hình điểm chữa cháy công cộng và 720 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Công an tỉnh cho biết, các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư. Nhờ vậy góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả trong công tác PCCC và tạo phong trào PCCC sôi nổi, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về PCCC, tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kho tàng, khu dân cư, chung cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh... trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn PCCC nhằm kịp thời phát hiện và đề ra biện pháp, giải pháp để khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lan tỏa mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC trong cộng đồng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”…