Tăng thu nội địa
Tháng 10/1990, ngành Thuế tỉnh Thuận Hải thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức thu: Phòng Thu Quốc doanh, Chi cục Thuế Công Thương nghiệp và Phòng Thuế Nông nghiệp. 2 năm sau (1992), thực hiện chủ trương chia tách tỉnh, Thuận Hải được chia thành 2 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận và 2 Cục Thuế Bình Thuận - Ninh Thuận cũng được hình thành. Cũng từ đó, tổ chức bộ máy của Cục Thuế Bình Thuận đã được xây dựng và phát triển cho đến nay. 30 năm - thời gian để lại một dấu ấn quan trọng trong chặng đường đổi mới và phát triển của ngành Thuế tỉnh. Trên mỗi bước đi, ngành Thuế tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt, là những nỗ lực của toàn ngành Thuế cùng sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan, ngành Thuế tỉnh liên tục vượt dự toán thu ngân sách.
Ngành Thuế nỗ lực đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Nhìn lại năm 2021 là một năm rất khó khăn khi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của người dân, tác động tiêu cực tới thực hiện dự toán ngân sách khi một số nguồn thu sụt giảm. Vượt bão dịch Covid-19, 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021 tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh vẫn đạt 13.497 tỷ đồng, vượt 62,23% dự toán HĐND và UBND tỉnh giao (số vượt tuyệt đối 5.177 tỷ đồng) và tăng 23,59% so cùng kỳ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kết quả thu nội địa đạt 5.904 tỷ đồng, bằng 69,6% dự toán HĐND giao. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế tỉnh đóng góp đưa số thu ngân sách tỉnh nhà liên tục nhiều năm vượt dự toán, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Bà Trần Thị Diệu Hoàng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, giai đoạn 1992 – 2022 tổng thu nội địa toàn tỉnh (trừ dầu) ước đạt 88.870 tỷ đồng, vượt 17,4% so với dự toán (tương đương 13.156 tỷ đồng). Quy mô thu ngân sách nhà nước được cải thiện tích cực theo hướng tăng thu từ nội địa, trở thành nguồn thu chủ yếu và ổn định của ngân sách nhà nước, trong đó tổng thu nội địa tăng từ 77 tỷ đồng năm 1992 lên đến 8.481 tỷ đồng năm 2022 (bằng gấp 110,4 lần). Cùng với sự mở rộng về quy mô, cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện theo hướng bền vững hơn từ các khoản thu thuế, phí và lệ phí chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng đến 85,9% tổng thu nội địa cả giai đoạn 1992 - 2022 (giai đoạn 1992 - 2002: 96,4%, giai đoạn 2003 - 2012: 84,4% và giai đoạn 2013 - 2022: 85,8%). Điều này đã góp phần trong việc đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và tăng dần chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang mở rộng đô thị.
Quản lý, khai thác tốt nguồn thu tiềm năng, tăng thu ngân sách.
Khai thác tốt nguồn thu tiềm năng
Bên cạnh đó, theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu tiền sử dụng đất của tỉnh được đưa vào cân đối địa phương để chi đầu tư phát triển. Xác định đây là nguồn thu trọng yếu để chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, ngành Thuế đã tích cực phối hợp các sở, ngành địa phương thực hiện tốt các chính sách tài chính về đất đai, khai thác và quản lý nguồn thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực theo hướng nguồn thu tăng dần qua các năm và trở thành nguồn thu quan trọng trong tổng thu nội địa của tỉnh. Cụ thể: thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tính chung cả giai đoạn (1992 – 2022) ước đạt 22.282 tỷ đồng, bình quân chiếm tỷ trọng đến 25,1% tổng thu nội địa, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 12.344 tỷ đồng (13,9%) và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 9.938 tỷ đồng (11,2%).
Song hành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế tỉnh đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử trong tất cả các khâu quản lý thuế như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, điện tử hỗ trợ người nộp thuế. Tính đến nay, toàn tỉnh có 99% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, trên 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử và 100% doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện hoàn thuế điện tử…