Ngăn chặn cháy rừng ngay từ đầu mùa khô

04/03/2020, 08:28

BT - Tỉnh ta là vùng khô hạn gần như nhất cả nước, lượng mưa trung bình ít, luôn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao. Với tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn toàn tỉnh là 310.841,3 ha, trong đó 286.998,8 ha rừng tự nhiên và 23.842,5 ha rừng trồng nằm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Điều đáng nói ở đây là một số diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên nằm kề với khu dân cư và phân bố trên các lâm phần có khí hậu khô, nóng, nên nguy cơ cháy rừng trong mùa khô là rất cao. Nhiều năm nay, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung tối đa lực lượng để bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là ở các khu rừng có trữ lượng và giá trị kinh tế cao nên các vụ cháy rừng đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Một trong những biện pháp để làm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng là xây dựng đường băng cản lửa, xây dựng các chòi canh lửa kiên cố, trang bị máy móc thiết bị và công cụ...

Theo dự báo, trong mùa khô năm 2019 - 2020 tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, phức tạp, khó lường, hạn hán, khô hanh, nắng nóng diễn ra trên diện rộng. Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy rừng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Ở thời điểm này tỉnh Bình Thuận đang cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng, chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng đảm bảo quân số để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, canh gác lửa rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trong các ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để tăng cường lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các trạm, chốt bảo vệ rừng, không để người dân tự ý vào rừng sử dụng lửa khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V…

Để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy rừng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020. Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là thời điểm nguy cơ cháy rừng cao và làm rõ trách nhiệm của địa phương, chủ rừng để rừng bị cháy. Kịp thời dự báo và thông tin về cấp dự báo cháy rừng cho ban chỉ huy cấp huyện, xã, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, các chủ rừng để có biện pháp triển khai ngăn chặn, xử lý có hiệu quả ngay từ đầu, không để tình hình kéo dài, diễn biến phức tạp trở thành điểm nóng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thông tin kịp thời về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và triển khai các biện pháp phòng cháy rừng. UBND cấp huyện, xã sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng, chủ dự án thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp cũng tổ chức lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định…

THANH QUANG


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn cháy rừng ngay từ đầu mùa khô